"Dòng chảy kết nối 2025": hợp lưu nghệ thuật liên ngành và khai phóng
Ngày 17/7/2025, tại Hòa Lạc, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã khai mạc triển lãm “Dòng chảy kết nối 2025”.
Kế thừa từ triển lãm “Dòng chảy kết nối” lần đầu tiên tổ chức tháng 12/2023, triển lãm tiếp tục phát huy tinh thần kết nối và sáng tạo liên ngành, đồng thời mở rộng không gian và tầm nhìn trong bối cảnh mới, tại đô thị đại học Hòa Lạc - nơi đang được định hình trở thành trung tâm tri thức và sáng tạo quốc gia.
.jpg)
Triển lãm quy tụ 27 nghệ sĩ - giảng viên với hơn 70 tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều loại hình như tranh đa chất liệu, điêu khắc, ảnh nghệ thuật, video art, thiết kế thời trang, sản phẩm công nghệ số, thiết kế nội thất bền vững…
Một số nghệ sĩ tiêu biểu như Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Thế Sơn, Ngô Xuân Phú, Thành Vinh, Triệu Minh Hải, Trương Thủy… mang tới những góc nhìn chuyên biệt từ di sản kiến trúc đến nhiếp ảnh nghệ thuật. Trong khi đó, các giảng viên trẻ như Lê Hà, Hoàng Huy Dương, Lương Viết Thanh Tùng, Nguyễn Thu Thủy, Thái Nhật Minh… đem đến các tác phẩm thời trang, điêu khắc bằng gốm, giấy bồi, kim loại… đặc sắc, giàu tính biểu đạt.
.jpg)
Điểm nhấn quan trọng của triển lãm là mô hình nghệ sĩ - nhà nghiên cứu mà Khoa Nghệ thuật và Thiết kế đang theo đuổi. Thông qua ba ngành đào tạo: Nghệ thuật thị giác, Thiết kế sáng tạo và Công nghệ truyền thông, nhà trường xây dựng nền tảng gắn kết giữa nghiên cứu học thuật và thực hành nghệ thuật. Giảng viên không chỉ là người giảng dạy, mà còn là những nghệ sĩ thực thụ, chủ động sáng tạo, trưng bày và chia sẻ chính tác phẩm của mình như một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái đào tạo nghệ thuật khai phóng và liên ngành.
Giám tuyển triển lãm Nguyễn Thu Thủy - giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, khẳng định: đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật, mà còn là điểm hợp lưu tinh thần giữa hai dòng chảy lớn trong lịch sử giáo dục và nghệ thuật Việt Nam hiện đại, được khơi nguồn từ chính không gian lịch sử 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội) - cái nôi của nền đại học liên ngành đầu tiên tại Việt Nam và Trường Mỹ thuật Đông Dương - biểu tượng của tinh thần giáo dục nghệ thuật khai phóng.

Dòng chảy thứ nhất tượng trưng cho nền giáo dục đại học hiện đại đầu tiên tại Việt Nam - Đại học Đông Dương, được thành lập theo Quyết định số 1514a ngày 16/5/1905 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau. Tiếp nối dòng chảy này là sự ra đời của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (trong đó có Trường Cao đẳng Mỹ thuật) vào năm 1945, và đến năm 1993 là Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị giáo dục đào tạo đa ngành, liên ngành, giữ vai trò đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Dòng chảy thứ hai chính là tinh thần khai phóng nghệ thuật gắn với sự thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Đại học Đông Dương năm 1925. Từ bước khởi đầu với bức tranh tường của Victor Tardieu trong giảng đường lớn của Đại học Đông Dương, đến ý tưởng và thành lập trường đào tạo mỹ thuật, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và nghệ thuật hiện đại phương Tây, tạo nên một phong cách mỹ thuật độc đáo góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự hình thành một nền giáo dục nghệ thuật chú trọng tới tự do sáng tạo, cá tính nghệ sĩ và tôn vinh cái đẹp trong đời sống tinh thần của xã hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh: Những giá trị truyền thống quý báu được gìn giữ và tiếp nối chính là nền tảng quan trọng cho việc hình thành thương hiệu đào tạo và nghiên cứu nghệ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội. "Tự hào với quá khứ và những di sản đã tạo dựng, chúng ta càng thêm tin tưởng vào một tương lai phát triển mạnh mẽ và khai phóng của giáo dục nghệ thuật liên ngành".
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân kỳ vọng “Dòng chảy kết nối” sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, là cầu nối để giảng viên, nghệ sĩ, sinh viên và công chúng cùng chia sẻ, sáng tạo. Và Hòa Lạc sẽ sớm trở thành điểm hẹn của nhiều triển lãm nghệ thuật liên ngành có quy mô, trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc trong lòng Hà Nội - nơi hội tụ tri thức, văn hóa và đổi mới sáng tạo.
Triển lãm "Dòng chảy kết nối 2025" là hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, góp phần tạo nên một không gian văn hóa - nghệ thuật giàu bản sắc, giàu cảm hứng cho cộng đồng cán bộ, giảng viên, sinh viên và khách tham quan.