Israel tiếp tục tấn công Thủ đô Damascus: Đâu là mục tiêu?
Sau các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội Syria ở thành phố Suwayda gần biên giới, trong ngày 16/7, Israel tiếp tục thực hiện một loạt cuộc tấn công mạnh mẽ vào Thủ đô Damascus, leo thang chiến dịch mà nước này cho là nhằm hỗ trợ một cộng đồng thiểu số Ảrập người Druze trong các xung đột chết người với lực lượng thân chính phủ Syria.

Israel tấn công ngày thứ hai liên tiếp
Bộ Y tế Syria nói với CNN rằng, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 34 người khác bị thương trong các cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Israel nhằm vào thủ đô của nước này.
Syria lên án mạnh mẽ hành động của Israel tiến hành không kích cả một một số tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Damascus vào ngày 16/7, gọi các cuộc tấn công vào các mục tiêu bao gồm cả Bộ Quốc phòng là "sự leo thang nguy hiểm".
Một đoạn video từ kênh truyền hình Syria cho thấy, tòa nhà Bộ Quốc phòng bị tấn công khi đang thực hiện trực tiếp trên sóng, buộc người dẫn chương trình phải tìm nơi ẩn nấp.
Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố: "Vụ tấn công trắng trợn này diễn ra trong bối cảnh chính sách có hệ thống của Israel nhằm gây căng thẳng, hỗn loạn và phá hoại an ninh và an toàn ở Syria".
Tuyên bố cho biết thêm rằng Syria sẽ "bảo lưu mọi quyền hợp pháp của mình để bảo vệ đất nước và người dân bằng mọi biện pháp được luật pháp quốc tế bảo đảm".
Trước đó vào 15/7, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz đã chia sẻ đoạn phim về các cuộc tấn công vào Damascus, nói rằng "những đòn đau đớn đã bắt đầu". Trong cuộc họp báo do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tổ chức, một quan chức quân sự xác nhận Israel đã nhắm mục tiêu vào Bộ Quốc phòng Syria và một khu vực gần dinh tổng thống.
Israel đã đẩy mạnh chiến dịch của mình bất chấp áp lực từ Mỹ, quốc gia đã có động thái nhằm chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế đối với Syria. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 16/7 cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đã hợp tác với tất cả các bên trong cuộc xung đột để chấm dứt các cuộc đụng độ ở Syria.
“Chúng tôi đã thống nhất các bước cụ thể để chấm dứt tình hình đáng lo ngại và kinh hoàng này vào đêm nay. Điều này đòi hỏi tất cả các bên phải thực hiện các cam kết đã đưa ra, và đây là điều chúng tôi hoàn toàn mong đợi họ sẽ làm”, ông Rubio phát biểu trên X.
Ông Rubio cũng mô tả căng thẳng mới nhất giữa Israel và Syria là một "sự hiểu lầm" khi nói rằng "chúng tôi đã trao đổi với họ suốt buổi sáng", trong một video mà Rubio chia sẻ trên X cho thấy ông ở Phòng Bầu dục với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Quân đội Syria rút khỏi Suwayda
Theo hãng thông tấn nhà nước SANA, vào tối 16/7 theo giờ địa phương, quân đội Syria đã bắt đầu rút khỏi Suwayda, thành phố vừa trải qua nhiều tuần xung đột giữa các cộng đồng thiểu số buộc quân đội phải điều động binh lính. SANA cho biết: "Việc rút quân của Quân đội Ảrập Syria khỏi Suwayda đã bắt đầu, thực hiện theo thỏa thuận đạt được giữa nhà nước Syria và giới lãnh đạo tôn giáo Druze tại thành phố này, sau khi quân đội hoàn thành nhiệm vụ truy đuổi các nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật". Truyền hình Syria đã đưa hình ảnh một đoàn xe quân sự di chuyển ra khỏi thành phố Suwayda.
Chính phủ Syria tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng người Druze vào 16/7, nhưng một nhân vật chủ chốt của nhóm tôn giáo thiểu số này phủ nhận việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Một lệnh ngừng bắn trước đó đã sụp đổ chỉ trong vài giờ.
Một tuyên bố do Chính phủ Syria đưa ra cho biết, theo lệnh ngừng bắn mới, các bên sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự, một ủy ban giám sát sẽ được thành lập với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Druze và các thành viên trong cộng đồng này sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trong tỉnh.
Nhà lãnh đạo tinh thần Druze đại diện cho một trong các phe phái ở Suwayda, Youssef Jarbou, xác nhận đã đạt được thỏa thuận về việc "dừng hoàn toàn và ngay lập tức mọi hoạt động quân sự và giảm leo thang từ mọi phía, đồng thời quân đội sẽ trở về doanh trại".
Tuy nhiên, Hikmat al-Hijri - một nhân vật nổi tiếng của cộng đồng Druze đã kêu gọi sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế và bác bỏ lệnh ngừng bắn.
Mạng lưới Nhân quyền Syria (SNHR) cho biết ít nhất 169 người đã thiệt mạng và 200 người khác bị thương sau nhiều ngày giao tranh. CNN không thể xác minh độc lập số liệu của SNHR và đang liên hệ với chính phủ Syria để xin bình luận về con số thương vong.
Mục tiêu của Israel: Bảo vệ người Druze hay còn lý do khác?
Quân đội Syria đã tiến vào Suwayda, một thành trì của cộng đồng người Druze ở phía nam Syria vào 16/7 sau khi các cuộc đụng độ nổ ra vào cuối tuần giữa lực lượng Druze và các bộ tộc Bedouin (vốn là các lực lượng Hồi giáo liên minh với Chính phủ Syria), làm dấy lên lo ngại về các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số. Lực lượng quân đội Syria đã được triển khai đến để lập lại trật tự, song quân đội không nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng người Druze. Mối lo ngại trong cộng đồng Druze, dẫn đến một nhân vật chủ chốt trong cộng đồng này lên tiếng gọi sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế.
Israel, quốc gia đã tiến hành các cuộc không kích vào Syria kể từ khi chế độ Assad sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái, cho biết họ tấn công Syria để bảo vệ người Druze. Tuy nhiên, việc Israel tiếp tục tấn công vào Thủ đô Damascus sau khi quân đội Syria đạt được thỏa thuận với lực lượng Druze và rút quân đã đặt ra câu hỏi về mục tiêu thực sự của Chính quyền Tel Aviv.
Các chuyên gia cho rằng, một động cơ khác đằng sau quyết định tấn công của Israel có thể liên quan đến sự phản đối của Israel đối với chính phủ Syria hiện tại. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đây đã gọi các nhà lãnh đạo mới của đất nước là "chế độ Hồi giáo cực đoan" và là mối đe dọa đối với nhà nước Israel.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Sa'ar cho biết hôm 16/7 rằng nước này muốn "duy trì nguyên trạng ở miền nam Syria - một khu vực gần biên giới với nước này - và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các mối đe dọa đối với Israel trong khu vực".
Ở Syria, cộng đồng người Druze tập trung quanh ba tỉnh chính gần Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng ở phía nam Syria và chiếm đa số ở tỉnh Suwayda.
Hơn 20.000 người Druze cũng sống ở Cao nguyên Golan, một cao nguyên chiến lược mà Israel chiếm được từ Syria trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, trước khi chính thức sáp nhập vào năm 1981.
Trong những ngày qua, hàng trăm người thuộc cộng đồng Druze dường như đã vượt biên từ Cao nguyên Golan vào Syria. Không rõ vụ việc xảy ra khi nào, nhưng các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh mọi người mang cờ Druze băng qua hàng rào biên giới được cho là từ Cao nguyên Golan vào Syria. Họ dường như đang đáp lại lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Druze nhằm hỗ trợ cộng đồng của họ trong các cuộc đụng độ đang diễn ra.
Phát biểu trước cộng đồng người Druze ở Israel và Cao nguyên Golan hôm 16/7, Thủ tướng Israel Netanyahu kêu gọi họ không vượt biên giới. “Tôi có một yêu cầu dành cho các bạn: Các bạn là công dân Israel. Đừng vượt biên giới”, ông nói.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang ở Suwayda trong một tuyên bố hôm 16/7. Ông lên án mọi hành vi bạo lực chống lại dân thường, bao gồm các báo cáo về các vụ giết người tùy tiện và các hành vi làm gia tăng căng thẳng giáo phái.
Ông Guterres cũng lên án "các cuộc không kích leo thang của Israel vào Suwayda, Daraa và trung tâm Damascus", kêu gọi Israel "chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi vi phạm chủ quyền của Syria".
Một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Qatar, đã lên án các cuộc không kích của Israel vào Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ kiên định nhất của chính quyền mới của Syria, gọi các cuộc không kích của Israel là "một hành động phá hoại nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh của Syria", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Iran - quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh với Israel vào tháng trước, đã lên án các cuộc không kích của Israel vào Syria là “hành động xâm lược rõ ràng”. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố rằng Iran “sẽ tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, và sẽ luôn sát cánh cùng người dân Syria”.
Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút cho biết: "Vương quốc Ảrập Xêút lên án các cuộc tấn công trắng trợn, liên tục của Israel vào lãnh thổ Syria, hành động can thiệp vào công việc nội bộ và gây mất ổn định an ninh và ổn định của Syria”, đồng thời cáo buộc đó là hành vi “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cũng bày tỏ quan ngại về các cuộc không kích của Israel vào Damascus, đồng thời kêu gọi Israel tôn trọng chủ quyền của Syria trong bài đăng trên X vào 16/7.