Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần tư duy đúng, chiến lược chuẩn
Tại Diễn đàn “Sản xuất thông minh Việt Nam 2025” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nghiệp Chủ lực Hà Nội tổ chức chiều 16/7 tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò then chốt của tư duy đúng và chiến lược đúng trong chuyển đổi số và sản xuất thông minh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng số hóa toàn cầu, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quản lý kỹ thuật Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn), việc ứng dụng công nghệ tự động hoá và công nghệ 4.0 đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất. Hiện công ty áp dụng AI trong khâu kiểm tra chất lượng và thống kê dữ liệu dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, độ chính xác cao hơn, giảm thời gian thao tác và tăng hiệu quả lao động.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang lúng túng trong quá trình chuyển đổi số. Theo ông Phạm Văn Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn năng suất và chất lượng quốc tế, nguyên nhân là do thiếu một chiến lược tổng thể và nhận thức chưa đầy đủ về công nghệ như AI, IoT, dữ liệu lớn hay nhà máy thông minh. Chuyển đổi số và sản xuất thông minh sẽ không hiệu quả nếu không bắt đầu từ tư duy đúng và chiến lược đúng. Theo ông Đồng, doanh nghiệp cần đi theo một lộ trình gồm bốn bước: Chuẩn hóa – Tối ưu hóa – Số hóa – Thông minh hóa. Đây không chỉ là một tiến trình kỹ thuật mà còn là chuyển đổi tư duy quản trị và mô hình kinh doanh toàn diện. Không chỉ có Diễn đàn lần này, Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 2021–2030, đặc biệt trong năng suất, chất lượng và tự động hóa. Do đó, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các chương trình hỗ trợ và đồng thời xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số chi tiết, chia theo giai đoạn cụ thể thì sẽ tăng cơ hội thành công. Việc chuyển đổi cần thực hiện tuần tự, có kiểm soát và gắn liền với năng lực nội tại - ông Đồng chia sẻ.

Diễn đàn cũng dành thời gian để các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận về các chủ đề then chốt như: ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất thông minh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới sáng tạo; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng nhà máy thông minh; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số.
Chia sẻ tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đồng thuận rằng chuyển đổi số không thể là cuộc chạy theo công nghệ một cách thiếu định hướng. Đó phải là một hành trình bắt đầu bằng chuẩn hóa hệ thống, tối ưu quy trình, sau đó mới số hóa và tiến đến thông minh hóa toàn bộ hoạt động. Việc nhảy vọt khi chưa có nền tảng sẽ dẫn đến lãng phí và rủi ro lớn. Sản xuất thông minh, do vậy, cần được nhìn nhận là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, không thể tách rời với chiến lược quản trị, nhân lực và tài chính. Mỗi doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi: Mình đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi số? Mình cần gì để tiến thêm một bước? Khi tư duy đúng và chiến lược rõ ràng, sản xuất thông minh sẽ không còn là một khẩu hiệu xa vời mà trở thành hiện thực trong từng dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.