Kinh tế tuần hoàn – động lực xanh hóa nông nghiệp Việt Nam
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa thúc đẩy nông nghiệp xanh, gia tăng giá trị và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội.
Từ chiến lược quốc gia đến hành động tại đồng ruộng
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu, là “cú hích” để ngành nông nghiệp chuyển mình theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững hơn.
Theo ông Phòng, mô hình truyền thống “khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” đang làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn hướng đến “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”, giúp tiết kiệm đầu vào, tận dụng phụ phẩm, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang gặp nhiều rào cản như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ và sự hạn chế trong tư duy canh tác.

Để vượt qua những thách thức này, đại diện VCCI đề xuất vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện tín dụng linh hoạt, ưu đãi về thuế và đất, hỗ trợ mô hình thí điểm, đào tạo nhân lực. Quan trọng không kém, doanh nghiệp cần đồng hành cùng nông dân để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, phát huy vai trò doanh nhân nông nghiệp trong thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Kinh tế tuần hoàn cần một hệ sinh thái chính sách đồng bộ
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Đức Thịnh cho biết, mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, nhưng tỷ lệ tái sử dụng mới đạt dưới 35%, chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tiêu chuẩn và chưa có cơ chế tín dụng xanh hỗ trợ.
Theo ông Thịnh, để kinh tế tuần hoàn đi vào thực chất, cần nâng tỷ lệ tái chế phụ phẩm lên trên 70%, đồng thời xây dựng các mô hình tuần hoàn cấp vùng, ngành và địa phương, đặc biệt là trong những lĩnh vực có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi. Cùng với đó là thúc đẩy mô hình sản xuất tích hợp đa giá trị – kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, du lịch sinh thái – gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ông Thịnh cũng thông tin, Bộ đang triển khai nhiều đề án lớn như: 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; giảm phát thải trong chăn nuôi; xây dựng sản phẩm OCOP sinh thái...

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT T&T 159 – chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình tuần hoàn hiệu quả như: tái chế rơm rạ, chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi, tái sử dụng phụ phẩm vào sản xuất trồng trọt. Tuy nhiên, họ vẫn gặp rào cản về vốn đầu tư, công nghệ xử lý, cơ chế khuyến khích còn thiếu và quy định pháp luật còn chồng chéo.
Do đó, ông Thắng kiến nghị hình thành hệ sinh thái chính sách đồng bộ, từ tín dụng ưu đãi, hạ tầng vùng sản xuất, tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc đến cơ chế thử nghiệm linh hoạt cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chương trình khuyến nông cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm như vỏ trấu, thân cây, rơm rạ để nông dân dễ áp dụng và tăng giá trị ngay tại đồng ruộng.
Cần một chiến lược quốc gia cho nông nghiệp tuần hoàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Hải Nam – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp – cho rằng, để kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia riêng cho nông nghiệp tuần hoàn. Hiện nhiều mô hình đang được triển khai rải rác ở ĐBSCL, Tây Nguyên nhưng thiếu liên kết vùng, thiếu tiêu chuẩn chung và còn mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển sản lượng với bảo vệ môi trường.
Theo ông Nam, chiến lược quốc gia cần được lồng ghép trong tiến trình chuyển đổi xanh và số hóa nông nghiệp, đi kèm hệ thống dữ liệu đồng bộ về phụ phẩm, phát thải, đa dạng sinh học. Ngoài ra, cần phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu, thuận thiên, đảm bảo dinh dưỡng và hướng đến tăng trưởng xanh bao trùm.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị xây dựng nhãn mác riêng cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Đây không chỉ là công cụ giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm xanh, sạch, mà còn tăng giá trị và tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mạnh mẽ hơn vào mô hình sản xuất bền vững.
Tại Diễn đàn, các ý kiến đều thống nhất rằng kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi mô hình truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay của cả hệ thống: từ Nhà nước đến doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và nhà đầu tư. Trong đó, người nông dân vẫn là trung tâm – là chủ thể sáng tạo và hiện thực hóa mô hình tuần hoàn ngay trên chính thửa ruộng, chuồng trại của mình.