Khoa học - Công nghệ

Vẫn thiếu chính sách riêng biệt để thu hút trí thức trẻ

Đ. Thanh 16/07/2025 14:50

Trí thức trẻ là lực lượng nòng cốt, là nguồn lực đổi mới sáng tạo quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách riêng biệt để thu hút trí thức trẻ, chưa có cơ chế tài chính ổn định để hỗ trợ họ tham gia lâu dài.

ông Chiến
Tổng Thư ký VUSTA Nguyễn Quyết Chiến phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Chưa có cơ chế tài chính ổn định

Phát biểu tại hội thảo “Công tác đoàn kết, thu hút tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)” diễn ra sáng 16/7, Tổng Thư ký VUSTA Nguyễn Quyết Chiến cho biết, trí thức trẻ là lực lượng nòng cốt, là nguồn lực đổi mới sáng tạo quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Họ có tri thức, có nhiệt huyết, có khả năng thích ứng nhanh với xu thế hội nhập và chuyển đổi số, có tiềm năng đóng góp to lớn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hút, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ tham gia các hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: từ cơ chế, chính sách, môi trường làm việc đến nhận thức và phương thức tiếp cận phù hợp với trí thức trẻ.

Tính đến tháng 6/2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được 3,7 triệu hội viên, trong đó khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức. Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên có độ tuổi từ 45 trở xuống phần lớn thuộc về các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (59%), thấp hơn là các hội ngành toàn quốc (44%) và thấp nhất là liên hiệp hội tỉnh (30%.

Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên có độ tuổi từ trên 45 - 60 phần lớn thuộc về các hội ngành toàn quốc (44%) và các Liên hiệp hội tỉnh (40%), thấp nhất là các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (20%). Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên có độ tuổi trên 60 không có sự khác biệt nhiều giữa các hội thành viên và đơn vị trực thuộc, trong khoảng 16 – 27%.

vusta2.jpg
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế VUSTA phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế VUSTA bổ sung, cơ cấu thành viên không cân đối, đa số hội viên là các trí thức cao tuổi, đã nghỉ hưu; tỷ lệ trí thức trẻ tham gia còn thấp. Một số hội chưa có thành viên dưới 40 tuổi.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách riêng biệt để thu hút trí thức trẻ, chưa có cơ chế tài chính ổn định để hỗ trợ họ tham gia lâu dài. Nhiều hoạt động vẫn mang tính hành chính, hình thức, thiếu đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, sở thích và thế mạnh của trí thức trẻ.

Đáng chú ý, hiện vẫn chưa phát huy vai trò của trí thức trẻ trong công tác điều hành, lãnh đạo; hiếm có trí thức trẻ được tham gia vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các hội.

ThS. Nguyễn Đình Phúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội bổ sung, hiện, trí thức trẻ có trình độ Thạc sĩ hầu như không được đứng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ được làm thư ký, thành viên chính.

Mặt khác, tiền lương, thu nhập trong các viện nghiên cứu ngoài công lập với trí thức trẻ còn thấp, ngay như ở Viện, trung bình chỉ khoảng 15 triệu, trong khi nếu họ ra làm ở doanh nghiệp sẽ có thu nhập cao hơn nhiều. Đó là lý do nhiều trí thức trẻ không mặn mà gắn bó lâu dài với các viện nghiên cứu…

vusta.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh

Xây dựng mạng lưới trí thức trẻ

Theo các đại biểu, thu hút, tập hợp trí thức trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để đổi mới hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam mà còn là chiến lược lâu dài để hình thành thế hệ trí thức kế cận đủ năng lực, bản lĩnh và khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Muốn vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ thể chế chính sách đến cơ chế tài chính, từ thay đổi nhận thức đến hành động thực tiễn.

Về phía VUSTA và các hội thành viên, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thông qua xây dựng các chương trình hành động, cuộc thi, diễn đàn khoa học dành riêng cho trí thức trẻ; tổ chức các hoạt động học thuật kết hợp thực tiễn: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng, công nghệ xanh, bảo vệ môi trường…; thực hiện số hóa hoạt động của hội, phát triển các nền tảng trực tuyến để tiếp cận và tương tác với trí thức trẻ hiệu quả hơn.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trí thức trẻ, như: xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo và nghiên cứu cho trí thức trẻ trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam; có chính sách ưu tiên mời trí thức trẻ tham gia Ban Chấp hành, Ban điều hành các hội, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc; tạo điều kiện để các hội ký kết hợp tác với các trường đại học, tổ chức đoàn thể thanh niên, doanh nghiệp nhằm thu hút trí thức trẻ.

Một giải pháp quan trọng nữa là cần xây dựng mạng lưới trí thức trẻ hoạt động theo cụm chuyên môn (môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...); định kỳ tổ chức các hội nghị trí thức trẻ toàn quốc hoặc khu vực.

ThS. Nguyễn Đình Phúc bổ sung, cần hoàn thiện khung chính sách, tạo bình đẳng cho khu vực khoa học và công nghệ ngoài công lập. Liên hiệp Hội Việt Nam cần chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách thể chế hóa chủ trương phát triển khoa học và công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Cụ thể, kiến nghị bổ sung các quy định ưu tiên cho tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập được tiếp cận nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho khoa học và công nghệ (thông qua đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu, đấu thầu đề tài…). Nhà nước nên có lộ trình đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ công trong các lĩnh vực khoa học – giáo dục – môi trường…, chuyển giao nhiều nhiệm vụ trước đây do cơ quan nhà nước thực hiện sang cho các tổ chức khoa học ngoài nhà nước đảm nhiệm.

“Khi đó, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập (với sự tham gia của trí thức trẻ) sẽ có không gian phát triển rộng mở hơn, được cạnh tranh công bằng với các viện, trung tâm khoa học và công nghệ công lập”, ThS. Nguyễn Đình Phúc tin tưởng.

Đ. Thanh