Kinh tế

Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045

Vũ Quang 15/07/2025 11:41

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045”.

z6805468489052_4dd70c325d1cd0994b0c9169c48d3acd.jpg
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, diễn đàn là hoạt động khoa học thường niên có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các định hướng, giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao hơn về chất lượng, hiệu quả và bền vững. Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện tại bộc lộ không ít bất cập: phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư và tài nguyên, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức – công nghệ còn chậm. Đặc biệt, năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

z6805409008063_a9547a48224c8ae13296ae4dace537ce.jpg
Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu.
Ảnh: Quang Khánh

Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu tất yếu, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Trong đó, cần có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, nhất là về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Nhấn mạnh thể chế đang là điểm nghẽn của các điểm nghẽn, theo Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chỉ khi gỡ bỏ được rào cản thể chế, Việt Nam mới có thể huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thống như đất đai, lao động, tài nguyên, đồng thời phát huy các nguồn lực mới mang tính nền tảng cho mô hình tăng trưởng tương lai như khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương hiệu quốc gia, chuyển đổi số, kinh tế xanh...

z6805468488810_68b51ef78384be3fdc352be72f3c0f23.jpg
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Tại Diễn đàn, hơn 20 tham luận đã được trình bày, tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm: lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh mới; kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng của một số quốc gia; phân tích thực trạng mô hình tăng trưởng hiện tại ở Việt Nam và nhận diện các rào cản lớn; đồng thời phác thảo cấu trúc cốt lõi của mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045.

Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam cần dựa trên ba trụ cột chính: phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số toàn diện trong cả khu vực công và tư; thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước.

Tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, nhằm đóng góp vào quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn tới.

Vũ Quang