Đời sống

Nghị trường và cuộc sống:Ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả giảm nghèo

Bảo Trâm 15/07/2025 18:55

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ; đặc biệt, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Trong bối cảnh đó, vấn đề giảm nghèo bền vững không còn là câu chuyện riêng của các chính sách an sinh xã hội truyền thống, mà đã trở thành một bài toán hóc búa, đòi hỏi những giải pháp sáng tạo và đột phá.

Làn sóng công nghệ và áp lực việc làm cho người nghèo

Mới đây, tại tọa đàm do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức với chủ đề "Tận dụng cách mạng 4.0: Tạo việc làm phù hợp giúp giảm nghèo bền vững", nhiều chuyên gia, nhà quản lý và hoạch định chính sách đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức không nhỏ mà cuộc cách mạng công nghệ này đặt ra cho công cuộc giảm nghèo. Một trong những lo ngại hàng đầu chính là nguy cơ mất việc làm, đặc biệt đối với người nghèo và lao động có tay nghề thấp.

Lớp tập huấn 5 (1)
Người trồng chè xã La Bằng (Thái Nguyên) tham gia tập huấn phát triển vùng nguyên liệu bền vững và quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: M. Tuân

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Quốc gia về việc làm Ngô Xuân Liễu đánh giá, sự thay thế của máy móc và robot trong các quy trình sản xuất và dịch vụ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều công việc truyền thống, vốn là "cần câu cơm" của nhiều hộ nghèo có thể sẽ biến mất trong tương lai gần.

Ông Liễu chia sẻ một thực tế đáng suy ngẫm rằng: "Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Quốc gia về việc làm đang nỗ lực hỗ trợ di chuyển lao động từ các vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến các khu công nghiệp, khu chế xuất để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp ngày càng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và tự động hóa, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông sẽ giảm sút, gây ra những khó khăn không nhỏ cho người nghèo".

Không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, người nghèo còn chịu tác động nặng nề từ "khoảng cách số". Báo cáo cho thấy, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ 4.0 của nhóm dân cư này còn rất hạn chế. Tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng về điện, internet và các thiết bị công nghệ hiện đại là một rào cản lớn. Thêm vào đó, bản thân người nghèo cũng gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ các kỹ năng số cơ bản.

Điều này đang dần tạo ra một thực tế đáng lo ngại khi những người có khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, trong khi những người bị bỏ lại phía sau do thiếu điều kiện sẽ ngày càng tụt hậu. Nếu không có những giải pháp kịp thời, hiệu quả, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội sẽ ngày càng nới rộng, đi ngược lại mục tiêu giảm nghèo bền vững mà chúng ta đang hướng tới.

Kiến tạo tương lai cho người nghèo trong kỷ nguyên số

Mặc dù vậy, bức tranh về tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với giảm nghèo cũng không chỉ toàn một “màu xám”. Theo chuyên gia Phạm Minh Thu, có không ít những cơ hội tiềm năng mà công nghệ mang lại, nếu chúng ta có thể khai thác, tận dụng một cách hiệu quả. Đầu tiên, công nghệ 4.0 đang tạo ra một loạt ngành nghề mới, đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức mới. Đây chính là cơ hội cho người lao động, bao gồm cả những người nghèo, nếu họ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi.

Người dân xã Hoành Mô (Quảng Ninh) giới thiệu về mô hình homestay của gia đình cho du khách qua môi trường mạng. Ảnh Q.M.G
Người dân xã Hoành Mô (Quảng Ninh) giới thiệu về mô hình homestay của gia đình cho du khách qua môi trường mạng. Ảnh: Q.M.G

Chuyên gia Phạm Minh Thu cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, tự động hóa không chỉ thay thế con người trong một số công việc nhất định mà còn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc ở nhiều ngành nghề khác. Điều này có tiềm năng to lớn trong việc tăng thu nhập cho người lao động, bao gồm cả những người đang làm việc trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Ví dụ, việc sử dụng các thiết bị thông minh trong nông nghiệp có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, từ đó cải thiện đáng kể thu nhập cho người nông dân.

Một trong những tác động tích cực và dễ nhận thấy nhất của công nghệ 4.0 trong công cuộc giảm nghèo chính là khả năng xóa bỏ rào cản về địa lý. Đáng chú ý, công nghệ thông tin còn mang lại lợi ích thiết thực cho người nghèo thông qua việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Thay vì phải mất thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi để thực hiện các thủ tục hành chính, người dân có thể thực hiện mọi thao tác một cách nhanh chóng, tiện lợi ngay tại nhà. Tương tự, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức từ ngân hàng thông qua các ứng dụng di động cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, giúp người nghèo tránh xa khỏi "bẫy" tín dụng đen với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, để có thể tận dụng tối đa những cơ hội mà công nghệ 4.0 mang lại, bản thân người nghèo cần phải được trang bị đầy đủ năng lực và kỹ năng cần thiết. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo, tập huấn về công nghệ, từ việc sử dụng các thiết bị di động thông minh, máy tính cơ bản cho đến các kiến thức về ứng dụng AI và các công cụ số khác trong sản xuất, kinh doanh.

Vừa đặt ra những thách thức không nhỏ, vừa mở ra những cơ hội to lớn cho công cuộc giảm nghèo bền vững, kỷ nguyên 4.0 đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết cần chủ động nắm bắt công nghệ, trang bị kỹ năng số cho người nghèo. Việc có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể biến những thách thức thành động lực, kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng yếu thế, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng phồn vinh và công bằng.

Bảo Trâm