Trên đường phát triển

Tiếng nói cơ sởSớm ban hành chuẩn nghèo mới phù hợp thực tế

Mỹ Hạnh 15/07/2025 18:27

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1,58%. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung ương sớm ban hành chuẩn nghèo mới và hướng dẫn thực hiện trong Quý IV năm 2025, để giúp địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, chính sách giảm nghèo sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương.

Đa số các dự án, tiểu dự án đạt hiệu quả

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021, tuy nhiên, đến năm 2022, Trung ương mới bắt đầu tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án. Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án mang lại nhiều kết quả tích cực.

z6790338866406_00024e1741eb3bee0d081faa4e60211b.jpg
Trâu giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ cho người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Dương Lê

Nổi bật là Dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các dự án được đầu tư đã giúp các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong số 59/59 dự án đầu tư thuộc Tiểu dự án 1, đã có 26/28 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành, 33 dự án còn lại đang thi công cơ bản bảo đảm tiến độ; 50 dự án duy tu bảo dưỡng sử dụng vốn sự nghiệp đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh, có 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Nghi Sơn, Hải Hà, Ngư Lộc). Đến cuối năm 2024, xã Ngư Lộc đã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 9/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với Dự án 1, Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo cũng mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mạnh mẽ đời sống người dân tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã triển khai được 606 mô hình, dự án, gồm 22 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 584 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Các loại hình dự án chủ yếu tập trung vào chăn nuôi. Có trên 18.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án, trong đó có trên 6.300 hộ nghèo, gần 6.000 hộ cận nghèo, trên 5.200 hộ mới thoát nghèo.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Báo cáo Tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, bên cạnh vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, tỉnh Thanh Hóa còn linh hoạt lồng ghép các hoạt động của chương trình giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu khác. Nhờ đó, giai đoạn 2022 - 2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,76%; bình quân mỗi năm giảm 1,58%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

177d0111439t90785l0.jpg
Nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Ngân Hà

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn một số nội dung, hoạt động chưa bảo đảm tiến độ, chậm giải ngân vốn. Trong đó, tỷ lệ giải ngân của Tiểu dự án 2 - Dự án 4 về Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt thấp. Nguyên nhân do người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ đối với các khoản thu học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh dùng để thanh toán với cơ quan Nhà nước; chưa có hướng dẫn ban hành giá của dịch vụ đào tạo ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, gây khó khăn trong việc xác định đơn giá để đặt hàng đào tạo ngoại ngữ với các đơn vị dịch vụ.

Đối với Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4, tỷ lệ giải ngân cũng đạt thấp, chủ yếu do một số địa phương chậm triển khai thực hiện các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong việc xây dựng danh mục tài sản, trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm nên chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc xây dựng dự án, dẫn tới chậm thẩm định, phê duyệt dự án.

Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030 đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung ương sớm ban hành chuẩn nghèo mới và hướng dẫn tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2026 - 2030 trong quý IV/2025 để giúp địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, chính sách giảm nghèo sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư vào khu vực miền núi; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa.

Mỹ Hạnh