Giáo dục - Việc làm Làm giàu trên miền "đá xám"
Địa phươngGiữa cái nắng bỏng rát tháng 7 nơi cửa ngõ cao nguyên đá Đồng Văn (Tuyên Quang), sắc xanh hy vọng vẫn vươn lên mạnh mẽ từ những triền núi đá xám xịt. Trên mảnh đất tưởng như chỉ có gió và cỏ dại ấy, người dân Quản Bạ “sống trên đá, không chê đá gập ghềnh” đang từng bước chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Đá không ngăn nổi giấc mơ đổi đời
Xã Quản Bạ với 90% diện tích là núi đá, từ lâu vốn được ví như “phên dậu” của cao nguyên Đồng Văn. Tưởng chừng đá chỉ biết chắn lối và cản trở sinh kế, nhưng nơi đây, lớp đất mỏng manh len lỏi giữa khe đá lại được người dân khéo léo “bù đất - lấp đá” để ươm lên những mầm xanh của sự sống và hi vọng.

Anh Tẩn Sấn Quẩy (sinh năm 1982, dân tộc Dao) là gương làm kinh tế giỏi của thôn Thượng Sơn, xã Quản Bạ. Dáng dấp nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của anh Quẩy đang thu hái các diện tích dưa chuột, gặp chúng tôi anh Quẩy phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi trồng dưa chuột liên kết với công ty, dự kiến thu hoạch khoảng 7 tấn quả. So với trồng cấy lúa mùa thì trồng dưa chuột có thu nhập cao hơn, thời gian trồng ngắn hơn”.
Cùng với chuyển đổi từ cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây dưa chuột, mô hình nhà ở vườn - ao - chuồng của anh Quẩy không chỉ bảo đảm môi trường vệ sinh sạch sẽ, chủ động nguồn thực phẩm sạch cho gia đình mà còn tạo nguồn thu nhập khá ổn định từ việc chăn nuôi ao cá, lợn, gà, vịt, chim bồ câu và một số loại cây ăn quả như hồng không hạt, cây xoài, cây mận. Thời điểm cao nhất, trong chuồng lợn nhà anh Quẩy lên đến 60 con lợn gồm lợn nái, lợn con, lợn thịt...
Ông Triệu Long Phú, trưởng thôn Thượng Sơn, xã Quản Bạ cho biết, phong trào giảm nghèo, vươn lên trong phát triển kinh tế được lan tỏa mạnh mẽ trong thôn; người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết trong sản xuất. Năm 2025, toàn thôn có 45 hộ tham gia trồng cây dưa chuột với diện tích 10ha gắn liên kết trong bao tiêu sản phẩm.
Khi “đá xám” trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, là động lực để cho người dân vùng cao Quản Bạ quyết tâm làm giàu từ lĩnh vực du lịch. Chị Lý Hồng Thu, chủ Homestay Hồng Thu tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là một tiêu biểu. Nhớ lại hành trình làm du lịch của mình, chị Thu bộc bạch: “Ban đầu khi mới làm du lịch, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm. Sau đó, tôi đăng ký tham gia nhiều lớp học online, khoá đào tạo ngắn về lĩnh vực nhà hàng, nhà nghỉ để thuận tiện cho công việc đón, tiếp khách du lịch”.

Bằng sự kiên trì, bền bỉ, vượt qua khó khăn, đến nay mô hình kinh doanh homestay đón khách du lịch của chị Hồng Thu sở hữu cơ ngơi 2 nhà sàn trình tường, 12 phòng bungalow. Khách du lịch đến đây sẽ được trải nghiệm văn hoá đặc sắc như tái hiện lễ hội cấp sắc, ngủ nhà trình tường đất của dân tộc Dao, tham gia các hoạt động làm nông nghiệp cùng người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực gà đen, lợn cắp nách, thịt treo gác bếp...
Nói về nguồn thu nhập từ làm du lịch, chị Hồng Thu cho biết: so với làm nông nghiệp đơn thuần, làm du lịch thu nhập sẽ cao hơn. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ mô hình homestay. Lượng khách của homestay hiện khá ổn định, chúng tôi liên kết với các nhà tour du lịch và nhận khách đặt phòng trên booking.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Thành công trong phát triển kinh tế của người dân vùng "đá xám" Quản Bạ không chỉ còn là câu chuyện riêng lẻ của mỗi cá nhân mà đã tạo sức lan toả trong cộng đồng, xã hội và trở thành điểm sáng của các xã trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy xã Quản Bạ đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Đỗ Quang Dũng cho biết: Quản Bạ xác định công tác giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, trong đó tiếp tục lấy những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả là hạt nhân để lan tỏa và nhân rộng tại địa phương. Phát triển kinh tế phải gắn với đặc thù của địa phương.
Xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết trong bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đất. Thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng lĩnh vực thương mại, dịch vụ; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để làm thương hiệu và tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch. Từ đó, khơi dậy tinh thần, tự lực, tự cường của người dân trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên địa bàn xã”.
Có thể thấy, trên vùng đất Quản Bạ hôm nay, khát vọng đổi thay và làm giàu trên đá chưa bao giờ ngừng cháy trong mỗi ý chí của người dân bản địa. Những bàn tay nứt nẻ vì đá giờ đã biết làm kinh tế, biết đưa sản vật vùng cao ra thị trường, đã dần chạm vào tương lai no ấm, đủ đầy. “Sống trên đá, không chê đá gập ghềnh” đó không chỉ là một khẩu hiệu mà còn thể hiện tinh thần quyết tâm của chính quyền địa phương và nghị lực, bản lĩnh của người dân vùng cao Tuyên Quang giữa thiên nhiên khắc nghiệt.