Đời sống

Nghị trường và cuộc sốngƯu tiên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững

Diệu Thảo 15/07/2025 19:40

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong cả nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng đến tích hợp đa mục tiêu, kết nối chặt chẽ giữa các cấu phần của cả 2 chương trình. Đặc biệt, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời, bảo đảm sự phát triển bền vững về môi trường.

Khơi dậy tiềm năng kinh tế xanh nông thôn

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn tới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ có những thay đổi mang tính chiến lược, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong cách tiếp cận và thực hiện. Thay vì chỉ tập trung vào việc đạt được các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, chương trình sẽ chú trọng hơn vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường.

c2.jpg
Bộ NN-MT sẽ tiếp thu các ý kiến tham vấn về định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện chương trình giai đoạn tới. Ảnh: Trung Nguyên

Điểm đáng chú ý trong giai đoạn 2026 - 2035 là sự thay đổi trong phương thức thực hiện. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định rõ, người dân sẽ trở thành trung tâm và chủ thể của mọi hoạt động. Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp đa mục tiêu, kết nối chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững. Trung ương sẽ đóng vai trò định hướng, ban hành khung chương trình, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn lực; đồng thời, theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả đầu ra cụ thể. Trong khi đó, các địa phương sẽ được trao quyền chủ động hơn trong việc triển khai, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng miền, phát huy tối đa vai trò của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong quá trình thực hiện.

Trong giai đoạn tới, Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn dự kiến sẽ tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025. Về tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đạt 80% số xã đạt chuẩn; trong đó, ít nhất 35% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% đạt chuẩn nông thôn mới hiện đại. Đến năm 2035, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiếp tục được nâng lên 90%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%, hướng tới mục tiêu hoàn thiện mô hình nông thôn văn minh, nhân văn, bền vững.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, nông thôn mới không chỉ là câu chuyện về hạ tầng, tiêu chí, con số mà phải là sự thay đổi thực chất trong đời sống, thu nhập và môi trường sống của cư dân nông thôn. Theo đó, cần ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để tạo ra hệ sinh thái kinh tế mới tại nông thôn. Điều này không chỉ tạo việc làm bền vững mà còn nâng cao khả năng tự chủ kinh tế của người dân, giúp người nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình.

Hướng đến chất lượng sống toàn diện

Để hiện thực hóa những mục tiêu đầy thách thức này, các chuyên gia và đại biểu tham gia Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2035 đều thống nhất, việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cần được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ tạo ra đủ việc làm, nâng cao thu nhập nhanh chóng cho người dân nông thôn mà còn góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, các dịch vụ nông thôn cũng đóng vai trò then chốt trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống hiện đại; đồng thời tạo sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa nông thôn, đô thị. Các chương trình đào tạo, huấn luyện, thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về nông thôn để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tạo ra những ngành nghề mới phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương cũng cần được chú trọng triển khai.

Theo nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Cao Đức Phát, giai đoạn tới cần tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sinh thái, hiện đại. Việc đổi mới nội dung văn hóa, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng cần được ưu tiên. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2035 sẽ không chỉ là câu chuyện về những con số tăng trưởng mà phải là sự lan tỏa những giá trị tích cực đến từng thôn, bản, từng gia đình và từng cuộc sống của người dân. Đó mới chính là thước đo quan trọng nhất của một chương trình phát triển bền vững thực sự.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì nhấn mạnh, việc xây dựng nội dung và các tiêu chí cho chương trình giai đoạn tới cần gắn liền với xu hướng cải cách hành chính và phân định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan chuyên ngành ở Trung ương để có thể hướng dẫn hiệu quả cho cấp cơ sở. Đồng thời, cần phân chia thành 3 nhóm nông thôn mới dựa trên đặc thù về mức thu nhập, điều kiện kinh tế và địa lý để có thể ưu tiên nguồn lực ngân sách cho những vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất. “Dù tập trung phát triển kinh tế, nhưng cần lưu ý bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển, không ồ ạt đô thị hóa mà phải biến nông thôn thành vùng đáng sống, giữ chân lực lượng lao động trẻ xây dựng quê hương”, ông Cường nhấn mạnh.

Diệu Thảo