Phú Thọ quyết tâm vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấpBài cuối: Tháo gỡ kịp thời vướng mắc về chính sách, dịch vụ công thiết yếu
Sau hơn chục ngày triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bộ máy hành chính tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã bước đầu vận hành ổn định, được nhân dân đồng tình đánh giá cao. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tiếp tục tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và dịch vụ công thiết yếu, nhất là ở các xã khó khăn sau sáp nhập.
Gỡ “nút thắt” cho chính quyền cơ sở
Đức Nhàn là xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai xã Mường Chiêng và Nánh Nghê (tỉnh Hòa Bình cũ), với diện tích hơn 107km² và gần 7.400 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98,4%. Toàn xã hiện có 17 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, nằm trong danh sách xã nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Xa trung tâm, địa hình phức tạp, hạ tầng yếu kém khiến việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó giao thông thường xuyên bị sạt lở, điện lưới chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đức Nhàn đề xuất, tỉnh quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là mở rộng tuyến đường Tỉnh lộ 433 - trục giao thông xương sống duy nhất kết nối trung tâm các xã khác của tỉnh nhưng hiện mới đạt tiêu chuẩn đường nông thôn, thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng do mưa bão, gây khó khăn trong lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất và làm tăng giá trị hàng hóa nông sản.
Xã cũng đề nghị xây dựng tuyến đường nối với QL70B và các tuyến tỉnh lộ giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển tới trung tâm tỉnh. Đồng thời, đầu tư cảng Bến Kế kết nối giao thông đường thủy - đường bộ để phát triển du lịch hồ Hòa Bình; phát triển vùng sản xuất cây đặc sản và lâm nghiệp, mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho xã miền núi…
Trước những khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, bố trí cán bộ, triển khai ứng dụng các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới..., tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãng Hoàng Văn Hưng đề nghị, UBND tỉnh sớm ban hành quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định số 52, ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành quy định phân cấp quản lý đầu tư một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm đồng bộ hệ thống và tích hợp đầy đủ dữ liệu dân cư, hộ tịch, đất đai. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, bố trí kinh phí nâng cấp y tế cơ sở, bảo đảm nhân lực chăm sóc sức khỏe người dân.
Bảo đảm nền hành chính chuyên nghiệp
Chia sẻ về hoạt động sau sắp xếp đơn vị hành chính, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp là bước chuyển sâu về thể chế, tổ chức và tư duy quản trị; điều quan trọng là sự linh hoạt, sáng tạo trong cách vận hành, phân bổ nguồn lực hợp lý, khai thác hiệu quả trụ sở sau sáp nhập, gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị, chính quyền và người dân cần tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm trong bối cảnh chuyển đổi lớn về tổ chức bộ máy và địa giới hành chính.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho Đức Nhàn, bởi đây là một trong những xã khó khăn nhất tỉnh. Trước mắt, tập trung hạ tầng giao thông kết nối, đồng thời nghiên cứu các quy hoạch, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái vùng lòng hồ và xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất cho người dân. Phấn đấu đưa Đức Nhàn thoát khỏi xã nghèo của tỉnh vào cuối nhiệm kỳ 2025 - 2030. “Các địa phương khác phát triển mà Đức Nhàn không phát triển thì đó chưa thể gọi là thành công trọn vẹn. Sự ấm no của nhân dân luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động”, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Phú Thọ không chỉ là sự tinh gọn bộ máy hành chính, mà còn là cuộc “cải cách” về cách nghĩ, cách làm trong tổ chức vận hành chính quyền. Từ thực tiễn triển khai tại các địa phương có thể thấy, khi cấp ủy, chính quyền quyết liệt chỉ đạo, đội ngũ cán bộ đồng lòng và người dân đồng thuận, mô hình mới vẫn bảo đảm hiệu quả phục vụ.
Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đầu tư hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh đào tạo cán bộ, chuyển đổi số. Bảo đảm mọi người dân dù ở trung tâm hay miền núi xa xôi đều được tiếp cận nền hành chính dân chủ, minh bạch và chuyên nghiệp với phương châm vì nhân dân phục vụ.