Sức khỏe

Tăng ca mắc liên cầu lợn: CDC Hà Nội khuyến cáo khẩn cấp

Mạnh Hưng 15/07/2025 16:21

Liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ lợn sang người qua tiếp xúc hoặc ăn thịt chưa nấu chín. Bệnh tiến triển nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024 (3/0). Tại các tỉnh lân cận cũng đã ghi nhận nhiều ca mắc Liên cầu lợn trong thời gian qua.

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra, có thể lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mắc bệnh hoặc ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín kỹ (trong đó có tiết canh lợn). Bệnh thường gặp ở những người giết mổ, chế biến hoặc tiêu thụ thực phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.

Liên cầu khuẩn lợn có thể gây ra các bệnh lý như viêm màng não, biểu hiện bằng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, mất thính lực, rối loạn tri giác, cứng gáy, xuất huyết da. Nếu nhiễm độc tiêu hóa, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt, tiêu chảy, ớn lạnh.

Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và tử vong.

image-20240319142857-1(1).jpeg
Nguy cơ tử vong khi nhiễm Liên cầu lợn. Ảnh: Internet

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo phòng bệnh như sau:

- Không giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ thịt từ những con lợn không rõ nguồn gốc.

- Đeo găng tay, khẩu trang và các phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ hoặc chế biến thịt lợn.

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt lợn sống.

- Nấu chín kỹ thịt và nội tạng lợn (bao gồm cả tiết canh) trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn tiết canh hoặc thịt lợn tái, sống.

- Mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

- Người có vết thương hở trên da cần tránh tiếp xúc với lợn sống hoặc thịt lợn sống.

Đặc biệt, khi có triệu chứng nghi ngờ sau khi tiếp xúc hoặc ăn thịt lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Mạnh Hưng