Kinh tế

Woori Bank Việt Nam: Tăng cho vay nhưng lợi nhuận giảm, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi đã “chuyển hướng” khỏi nhà băng

Tú Anh 15/07/2025 15:29

Trái ngược với cho vay khách hàng, lượng tiền gửi của khách hàng vào Woori Bank đã sụt giảm hàng chục nghìn tỷ khi đến cuối năm 2024 đạt gần 29.000 tỷ đồng (cuối năm 2023 là hơn 42.000 tỷ đồng).

Ngân hàng Woori vào Việt Nam từ năm 1997 với việc thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Đến đầu năm 2017, nhà băng này thành lập pháp nhân với tên gọi Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam, đặt hội sở tại Hà Nội. Từ mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng ban đầu, đến năm 2024, Woori Bank đã trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong số các ngân hàng ngoại tại Việt Nam sau khi tăng vốn lên 12.500 tỷ đồng.

hinh-anh-ngan-hang-woori_6544ab0651da6.jpg

Woori Bank hiện tại đã có hàng chục chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính năm 2024, nhà băng này vừa trải qua một năm kinh doanh không mấy khởi sắc khi thu nhập lãi thuần đạt 2.077 tỷ đồng gần như đi ngang so với năm 2023 khi chỉ tăng trưởng 0,5%. Cả hai mảng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động của năm 2024 đã tăng so với năm 2023 và đạt mức 1.160 tỷ đồng.

Sau cùng, Woori Bank báo lãi trước thuế 1.378 tỷ đồng, sụt giảm hơn 8,1% so với năm 2023.

wooori(1).png

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của nhà băng đạt 66.451 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 39.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2023. Trái ngược với cho vay khách hàng, lượng tiền gửi của khách hàng vào Woori Bank đã sụt giảm hàng chục nghìn tỷ khi đến cuối năm 2024 đạt gần 29.000 tỷ đồng (cuối năm 2023 là hơn 42.000 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia, việc dư nợ cho vay tăng nhưng lợi nhuận lại giảm có thể cho thấy ngân hàng đang đối diện với thực trạng lãi suất không đủ bù đắp rủi ro hoặc chi phí vốn. Bên cạnh đó là một phần trong số dư nợ cho vay tăng thêm có thể trở thành nợ xấu trong tương lai. Khi nợ xấu phát sinh, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, đây là một khoản chi phí đáng kể làm bào mòn lợi nhuận. Nếu việc tăng trưởng tín dụng không đi kèm với quy trình thẩm định chặt chẽ, rủi ro này càng cao.

Một yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng đó là ngân hàng có thể đang buộc phải cho vay với lãi suất thấp để cạnh tranh hoặc để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn, dẫn đến biên lợi nhuận thấp hơn mặc dù quy mô cho vay tăng.

Đối với lượng tiền gửi khách hàng giảm mạnh vào cuối năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất ngân hàng hoạt động dựa trên nguyên tắc huy động tiền gửi để cho vay. Khi tiền gửi giảm mạnh trong khi cho vay tăng, ngân hàng sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế để bù đắp sự thiếu hụt. Khi phải huy động vốn từ các kênh đắt đỏ hơn, chi phí vốn bình quân của ngân hàng sẽ tăng lên. Điều này trực tiếp làm giảm biên lãi ròng (NIM - Net Interest Margin), tức là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Tú Anh