Gia tăng đình chỉ, đuổi học: Chuyện gì đang xảy ra với giáo dục Anh?
Tình trạng học sinh bị đình chỉ và đuổi học tại các trường công lập ở Anh đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, trong đó bao gồm cả những em nhỏ chỉ mới sáu tuổi.

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố số liệu cho thấy, năm học 2023–2024 đã ghi nhận hơn 10.900 học sinh bị đuổi học vĩnh viễn, tăng 16% so với năm trước, cùng với 955.000 ngày đình chỉ học, tăng 21%.
Điều đáng lo ngại là số học sinh bị ảnh hưởng không chỉ tập trung ở bậc trung học, nơi hành vi tiêu cực thường bộc lộ rõ nét, mà ngày càng lan rộng trong các trường tiểu học. Sự gia tăng đặc biệt nhanh ở nhóm học sinh nhỏ tuổi khiến các chuyên gia cảnh báo về những hậu quả lâu dài nếu không có biện pháp can thiệp sớm.
Những con số biết nói
The Guardian thông tin, theo báo cáo, cứ 100 học sinh thì có bốn em bị đình chỉ học ít nhất một lần trong năm học vừa qua. Hơn 100.000 em bị đình chỉ với thời gian tương đương một tuần học trở lên. Riêng số lượng học sinh tiểu học bị đình chỉ lần đầu tiên vượt mốc 100.000, trong khi 471 em sáu tuổi trở xuống bị đuổi học vĩnh viễn.
Đáng lưu ý, hơn một nửa trong số 10.900 học sinh bị đuổi học có nhu cầu giáo dục đặc biệt, trong đó hơn 1.000 em có kế hoạch hỗ trợ giáo dục, y tế và chăm sóc – một dạng cam kết giữa gia đình và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo hỗ trợ phù hợp. Những kế hoạch này hiện đang bị đe dọa bởi các cải cách trong chính sách giáo dục đặc biệt của chính phủ Anh.
Hậu quả từ đại dịch Covid-19 và thiếu hỗ trợ
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã để lại tác động sâu rộng tới khả năng hòa nhập và phát triển hành vi xã hội của trẻ nhỏ. Nhiều em bắt đầu đi học trong bối cảnh trường học đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức học từ xa, dẫn đến thiếu trải nghiệm tương tác trực tiếp – điều vốn rất quan trọng trong quá trình hình thành kỹ năng xã hội.
Bà Lorraine Anderson, chuyên gia hỗ trợ gia đình tại tổ chức từ thiện Chance UK, chia sẻ: “Chúng ta phải thừa nhận rằng Covid đã có ảnh hưởng rõ rệt. Đây là những đứa trẻ không được tiếp xúc xã hội trong thời gian dài, và giờ chúng đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường học tập”.
Tổ chức Chance UK cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm các kế hoạch hỗ trợ giáo dục, y tế và chăm sóc sẽ khiến nhiều trẻ em dễ bị tổn thương rơi vào vòng luẩn quẩn của đình chỉ – đuổi học – bỏ học, đặc biệt khi hệ thống giáo dục không có cơ chế can thiệp đủ sớm. Bà Sophie Schmal, Giám đốc tổ chức, nhấn mạnh: “Khi những đứa trẻ chỉ mới năm, sáu tuổi đã bị đuổi học vĩnh viễn, thì rõ ràng có điều gì đó đang rất sai. Can thiệp sớm không thể là khi các em đã thành thiếu niên. Chúng ta cần hành động từ đầu”.
Vai trò của hệ thống
Giới chuyên môn đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Anh tăng cường đầu tư cho các dịch vụ hỗ trợ học sinh, bao gồm chăm sóc xã hội, sức khỏe tâm thần trẻ em, đội hỗ trợ hành vi và giáo dục đặc biệt – những lĩnh vực bị cắt giảm hoặc không theo kịp nhu cầu trong suốt thập kỷ qua.
Ông Paul Whiteman, Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệu trưởng Quốc gia Anh, nhận định: “Các trường học đang nỗ lực không ngừng để hỗ trợ học sinh, nhưng họ không thể một mình giải quyết các nguyên nhân và hậu quả của hành vi tiêu cực. Họ cần được hỗ trợ thêm bằng các khoản đầu tư vào các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc xã hội, sức khỏe tâm thần trẻ em, hỗ trợ hành vi và các chương trình giáo dục đặc biệt – những lĩnh vực đã bị cắt giảm hoặc không theo kịp nhu cầu trong suốt thập kỷ qua”.
Trong khi đó, ông Stephen Morgan, Bộ trưởng phụ trách Giáo dục sớm cho rằng, những con số đáng báo động đã nói lên thực trạng mà chính phủ mới phải đối mặt: “Mỗi giây phút trong lớp học đều rất quan trọng, nhưng gần một triệu lượt đình chỉ học trong một năm là minh chứng rõ ràng cho một hệ thống đang hỗn loạn. Điều đó khiến cả một thế hệ học sinh bị tước đi cơ hội phát triển”.
Trong bối cảnh hậu đại dịch, theo các chuyên gia, đòi hỏi của giáo dục không chỉ là kiến thức mà còn là khả năng chăm sóc toàn diện, hỗ trợ hành vi, và can thiệp từ sớm, đặc biệt đối với nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt.
Giải pháp không nằm ở các biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc, mà ở sự đầu tư đúng chỗ vào nhân lực, dịch vụ hỗ trợ và một hệ thống giáo dục công bằng, toàn diện. Nếu không, những em nhỏ bị đình chỉ và đuổi học hôm nay có thể là những công dân bị bỏ lại phía sau trong tương lai.