Phân biệt đột quỵ - đột tử: chuyên gia chỉ ra bí kíp cứu người
Phân biệt “Đột quỵ” hay “Đột tử” là chìa khóa quan trọng khi cứu sống người gặp nạn giai đoạn nguy cấp, qua đó gia tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mới đây đơn vị đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 38 tuổi ở Bắc Ninh, bất ngờ ngã gục xuống ghế tại nhà.
Người nhà chứng kiến nghĩ người bệnh bị đột quỵ nên chỉ tiến hành các bước theo dân gian như bấm nhân trung, xoa ngực và gọi xe đưa đi cấp cứu.
Điều đáng tiếc, khi xử trí, người nhà không có động tác kiểm tra mạch nên không biết người bệnh bị đột tử và cần được ép tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Hệ quả khi nhập viện, tim bệnh nhân đã ngừng đập quá lâu, não tổn thương nặng, cơ hội sống rất thấp. Các bác sĩ cho biết, nếu gia đình kiểm tra mạch và ép tim ngay tại nhà, bệnh nhân có thể đã có cơ hội sống cao hơn.

Trước trường hợp này, các bác sĩ Trung tâm A9 khuyến cáo việc nhận biết đúng giữa đột quỵ và đột tử là yếu tố sống còn.
Đột quỵ thường có dấu hiệu như liệt tay chân một bên, méo miệng, nói ngọng. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc mạch máu lớn có thể gây phù não, dẫn đến hôn mê.
Đột tử là tình trạng tim ngừng đập đột ngột, khiến bệnh nhân gục xuống ngay lập tức, có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo khi gặp người bất tỉnh, việc đầu tiên là kiểm tra mạch cổ bằng cách đặt tay dưới gốc hàm, cảm nhận nhịp đập của động mạch cảnh.
- Nếu có mạch đây là đột quỵ, cần giữ bệnh nhân nằm nghiêng an toàn, theo dõi nhịp thở, gọi ngay 115. Không lắc, vỗ mặt hay ép tim.
- Trong trường hợp không có mạch, đây là đột tử, lập tức ép tim liên tục (nhịp 100–120 lần/phút) cho đến khi mạch đập trở lại hoặc xe cứu thương đến. Đồng thời, gọi 115 ngay.
“Mỗi giây chậm trễ, não bệnh nhân càng tổn thương nặng, do đó, ép tim đúng cách là chìa khóa tăng cơ hội sống”, các bác sĩ nhấn mạnh.