Thúc đẩy cải cách pháp luật kinh doanh nhanh hơn, toàn diện hơn
Thời gian qua đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… giúp tinh gọn quy trình và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, chưa theo kịp thực tiễn, đòi hỏi phải cải cách nhanh chóng và toàn diện hơn.
Nhiều rào cản cả trong chính sách và thực thi
Ngày 14/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”.

Phát biểu tại đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, thời gian qua đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… giúp tinh gọn quy trình và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch và chưa theo kịp thực tiễn.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 19/5 tới nay, VCCI nhận được 220 phản ánh về những vướng mắc, khó khăn liên quan tới hệ thống văn bản pháp luật. Các ý kiến phản ánh đa dạng từ nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó, đề xuất những vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật cả ở trong các quy định pháp luật lẫn việc thực thi.
Các phản ánh liên quan đến thuế, hóa đơn, thủ tục hành chính chiếm phần lớn. Những vướng mắc nằm trong các văn bản pháp lý khác nhau, từ luật đến nghị định, thông tư. Nghị định có lưu lượng phản ánh nhiều nhất. Có không ít vướng mắc liên quan tới cả các văn bản pháp luật vừa mới được ban hành và hiệu lực trong năm 2025.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến phản ánh thủ tục hành chính còn thiếu rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể, vẫn yêu cầu hồ sơ giấy, chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tồn tại nhiều thủ tục không cần thiết như thông báo khuyến mại, cấp phép dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, hay xác nhận thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm. Một số quy định thiếu minh bạch, như việc thế chấp quyền thuê đất trả tiền hàng năm gây khó khăn khi xử lý tài sản, hay chưa có quy chuẩn Việt Nam về sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây, khiến doanh nghiệp lúng túng.
Bà Trần Thị Thu Hằng (Canon Việt Nam) cho biết, theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, doanh nghiệp muốn nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vượt tuổi quy định nhưng vẫn đạt 85% công suất thiết kế, phải nộp hồ sơ xin phép Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng quy định này không cần thiết, nhất là khi doanh nghiệp đã có chứng thư giám định đạt yêu cầu từ tổ chức được Bộ chỉ định. Việc yêu cầu thêm bước phê duyệt gây trùng lặp thủ tục, làm tăng chi phí và thời gian, trong khi chất lượng thiết bị đã được kiểm soát.
Trong lĩnh vực thực phẩm, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của EuroCham cảnh báo về nguy cơ siết thủ tục hành chính từ dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, hồ sơ đăng ký sản phẩm tăng từ 7 mục lên tới 41 mục, trong đó nhiều yêu cầu như mô tả quy trình sản xuất, loại máy móc, thông số kỹ thuật… dễ dẫn tới lộ bí mật công nghệ.
Cải cách thể chế phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng là cú hích cho cải cách thể chế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, cải cách pháp luật phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm. Không chỉ sửa luật, cần đặc biệt chú trọng chất lượng văn bản dưới luật, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh tình trạng "luật một đằng, nghị định một nẻo”, ông Tú nói. Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ và có cơ chế xử lý rõ ràng với những cá nhân gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Hiện, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án tổng thể tháo gỡ vướng mắc pháp luật theo nhóm vấn đề ưu tiên, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2025. Với các vấn đề cấp bách, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết theo cơ chế đặc biệt.

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi Hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, kiến nghị cần rà soát, sửa đổi đồng bộ hệ thống luật, đặc biệt giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường, nhằm tạo quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần có nền tảng cơ sở dữ liệu pháp lý tập trung, dễ tra cứu, thường xuyên cập nhật để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng những rào cản pháp lý sẽ được tháo gỡ ngay thông qua cơ chế phản ánh, đối thoại công khai, minh bạch và có phản hồi cụ thể, kịp thời.