Lập pháp

Gỡ khó cho kiểm định chất lượng giáo dục

Hà An 15/07/2025 06:05

Quy định về cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) không có sự thẩm định của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức độc lập làm giảm vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước. Đây là một trong những bất cập được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra khi đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Hơn 600 kiểm định viên giáo dục đại học

Kiểm định chất lượng là một cơ chế mới được quy định chính thức trong Luật Giáo dục đại học năm 2018, gắn với thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Qua 5 năm triển khai thi hành Luật, kiểm định chất lượng trong hệ thống GDĐH đã có bước chuyển biến và dần đi vào thực chất, giúp cải tiến và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDĐH. Mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH được mở rộng và đa dạng hóa, đội ngũ kiểm định viên được tăng cường.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thuyết trình đề tài nghiên cứu trước các thầy/cô trong Hội đồng. Nguồn: hust.edu.vn

Theo thống kê, hiện nay đội ngũ kiểm định viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp thẻ là hơn 600 người, trong đó có nhiều kiểm định viên là các đánh giá viên, kiểm định viên của các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài và có đóng góp cho sự phát triển của hệ thống bảo đảm chất lượng nước ngoài và có đóng góp cho sự phát triển của hệ thống bảo đảm chất lượng trong nước và khu vực Asean.

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở GDĐH được tăng cường, công tác kiểm định chất lượng ngày càng thực chất và hiệu quả, từng bước hội nhập quốc tế. Hiện nay, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 12/2017-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí chia theo 4 lĩnh vực. Đến nay hầu hết các cơ sở đào tạo đã thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng. Hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến thay đổi thay đổi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra tiến tới theo năng lực của người học.

Tính đến ngày 31/3/2025, cả nước có 209/265 cơ sở GDĐT (chiếm 78,8%) và 2.452 (30,66%) chương trình đào tạo các trình độ của GDĐT được kiểm định và cấp chứng nhận của các tổ chức kiểm định trong nước và nước ngoài, trong đó có 12 cơ sở GDĐT và 670 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Kết quả kiểm định chất lượng chưa được sử dụng hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm định chất lượng GDĐH vẫn còn một số bất cập.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 giao quyền cho các tổ chức kiểm định thực hiện việc tổ chức đánh giá ngoài và thành lập hội đồng để xem xét, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GDĐH. Các nội dung trong kiểm định chất lượng đại học mới dừng lại ở bề ngoài, mang tính liệt kê các công việc, các thứ cần có mà chưa đi vào thực chất, hiệu quả của việc quản lý đào tạo. Kết quả kiểm định chất lượng đại học chưa được sử dụng một cách hiệu quả dẫn đến việc làm chiếu lệ mà không vì sự thay đổi về chất lượng đào tạo.

Điều đáng nói là, mặc dù đã có những quy định về kiểm tra, thanh tra và giám sát, đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định, tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có cơ chế quản lý nhà nước hữu hiệu để bảo đảm mức độ tin cậy của các kết quả đánh giá, công nhận tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, tại một số quốc gia, các tổ chức đánh giá, kiểm định được ủy quyền tổ chức đánh giá ngoài và xây dựng báo cáo đánh giá, kiểm định, tuy nhiên kết quả kiểm định phải được một hội đồng quốc gia thẩm định và công nhận.

Một điểm nghẽn khác nữa, đó là quy định bắt buộc kiểm định và đánh giá ngoài tất cả chương trình đào tạo điều này gây quá tải và tốn kém cho các cơ sở GDĐH. Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định đối tượng kiểm định bao gồm cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo (các trình độ). Hiện nay số lượng chương trình đào tạo của toàn hệ thống GDĐH lên tới hơn 8.000 (bao gồm cả đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), trong đó một số cơ sở GDĐH lên tới hơn 8.000 (bao gồm cả đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), trong đó có một số cơ sở GDĐH có tới hàng trăm chương trình đào tạo. Việc bắt buộc kiểm định tất cả chương trình đào tạo theo quy định của Luật tạo ra sức ép lớn và chi phí tốn kém đối với các cơ sở GDĐH và gây quá tải cho hệ thống tổ chức kiểm định.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự mất cân đối giữa năng lực của các tổ chức kiểm định đối với nhu cầu kiểm định của các cơ sở GDĐH cũng tạo ra những hệ lụy như: tính hình thức, đối phó và dẫn tới làm mất đi hiệu quả tích cực của công tác kiểm định chất lượng.

Phân quyền tự chủ đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo cho các cơ sở GDĐH đủ năng lực

Mục tiêu của kiểm định là giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đã đến lúc cần đổi mới công tác kiểm định. Việc đánh giá chất lượng giáo dục đại học không thể chỉ dừng lại ở những bộ tiêu chí hành chính. Thước đo thực chất phải đến từ nhu cầu và phản hồi của thị trường lao động, sinh viên sau khi ra trường có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc ở mức độ nào. Điều này cần có sự đánh giá thêm từ các đơn vị tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường.

Để khắc phục những tồn tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, sửa đổi Luật Giáo dục đại học cần bổ sung cơ chế và tiêu chuẩn kiểm định hệ thống đối với các cơ sở GDĐH, quy định phân quyền tự chủ đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo cho các cơ sở GDĐH đủ năng lực đã đạt kiểm định hệ thống.

Cùng với đó, sửa đổi quy định về quy trình kiểm định, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên cơ sở tách hoạt động dịch vụ đánh giá, kiểm định độc lập của các tổ chức kiểm định với việc thẩm định và công nhận kết quả kiểm định của cơ quan nhà nước (thông qua Hội đồng quốc gia về kiểm định GDĐH). Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi quy định về tính độc lập của các tổ chức kiểm định về mặt chuyên môn và tự chủ về tổ chức bộ máy, tài chính và tài sản thay cho yêu cầu độc lập về tổ chức với các cơ sở GDĐH và cơ quan quản lý nhà nước.

Không chỉ được coi là “giấy phép thông hành” trong hội nhập quốc tế về giáo dục, mà kết quả kiểm định chất lượng còn giúp các cơ sở GDĐH nhìn rõ hơn đâu là những điểm mạnh để phát huy, đâu là những điểm yếu để khắc phục. Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Giáo dục đại học là rất cần thiết, đây là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng trở thành một công cụ thực chất, góp phần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường trách nhiệm giải trình và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi người học. Bởi xây dựng chính sách, hay cải cách giáo dục thì mục đích cuối cùng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục một cách thực chất.

Đội ngũ kiểm định viên hiện nay còn thiếu cả về số lượng và yếu về năng lực, kinh nghiệm. Số kiểm định viên có kinh nghiệm tham gia đoàn đánh giá ngoài chỉ chiếm 53,5%, có 6/24 lĩnh vực và nhiều ngành, nhóm ngành thiếu kiểm định viên chương trình. Một số kiểm định viên tham gia quá nhiều đoàn đánh giá ngoài, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá, tư vấn đối với cơ sở GDĐH, trong khi đó các kiểm định viên đang công tác tại các cơ sở GDĐH thường ít được tham gia đoàn đánh giá do bận công tác chuyên môn.

Hà An