Chính sách và cuộc sống

Tạo thay đổi căn bản về chất trong tiết kiệm, chống lãng phí

Nguyễn Bình 15/07/2025 06:01

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ Mười theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Như vậy, sau 20 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đầu tiên (năm 2005), đây sẽ là lần thứ hai đạo luật này được sửa đổi toàn diện (lần 1 vào năm 2013, có hiệu lực năm 2014) để thay thế luật hiện hành với những tư duy mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết "Chống lãng phí": đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày" của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật năm 2013 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được đánh giá là đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, làm cơ sở cho việc triển khai đồng bộ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Dù vậy, từ thực tế cho thấy, lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển. Lãng phí không chỉ gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo... mà hơn thế - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ "còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

Một trong những nguyên nhân khiến công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế chính là do thể chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống bởi các quy định chủ yếu vẫn mang tính nguyên tắc, thiếu các cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể dẫn đến hiệu lực thực thi chưa cao, phần lớn còn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức và ý thức của từng cán bộ, công chức, viên chức, từng cá nhân, hộ gia đình.

Tham gia ý kiến về bổ sung Chương trình lập pháp năm 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho biết, còn tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng giữa các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các luật chuyên ngành có liên quan, gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước. Việc xử lý hành vi gây lãng phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức, chưa cụ thể và thiếu nghiêm minh, rất ít trường hợp bị xử lý trách nhiệm tài chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như đối với các hành vi tham nhũng.

Như thế để thấy rằng, mục tiêu của việc sửa đổi toàn diện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là để khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, mà quan trọng hơn là, phải tạo lập được cơ sở chính trị pháp lý toàn diện, vững chắc cho thực hành tiết kiệm ở mọi ngành, mọi nghề, mọi cán bộ, đảng viên và người dân, tạo ra sự thay đổi căn bản về chất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Luật mới phải bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy văn hóa tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí không chỉ trong khu vực công mà cả với khu vực tư, tạo cơ sở cho nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn, quyết liệt hơn và thực chất hơn.

Trong nhiều vấn đề cần sửa đổi, cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện cơ chế trách nhiệm giải trình - nền tảng của quản trị minh bạch và phòng ngừa lãng phí hiệu quả, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn lực công. Nghiên cứu quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí, mức độ xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi gây ra, bảo đảm có tính răn đe cao đối với các hành vi gây lãng phí. Chỉ khi gắn được trách nhiệm cụ thể với từng quyết định sử dụng ngân sách, tài sản công mới có thể tiến tới xây dựng một nền quản trị công liêm chính, hiệu quả.

Cùng với đó là thiết lập các chỉ số định lượng cụ thể về hiệu quả sử dụng các nguồn lực; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho hoạt động giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân... Hoàn thiện quy định cụ thể hơn về giám sát và báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ sở kiểm tra, đánh giá và phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Từ nay đến Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội không còn nhiều thời gian. Để bảo đảm chất lượng, mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn rất nhiều việc Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tối ưu trình Quốc hội.

Nguyễn Bình