Sức khỏe

Đừng lơ là khi cơ thể gửi tín hiệu “cầu cứu”!

Hồng Nhung 14/07/2025 16:01

Mệt mỏi kéo dài, móng tay dễ gãy, môi nứt nẻ hay tê bì chân tay không đơn thuần là những bất tiện nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Đó có thể là những tín hiệu âm thầm cho thấy cơ thể bạn đang thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-14 lúc 14.05.05
Việc nhận diện sớm và đúng những biểu hiện thiếu chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các rối loạn nghiêm trọng hơn.

Trong nhịp sống hiện đại, khi thực phẩm phong phú và dễ dàng tiếp cận, nhiều người cho rằng thiếu chất dinh dưỡng là vấn đề hiếm gặp. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: tình trạng thiếu vi chất vẫn đang âm thầm diễn ra ngay cả ở các quốc gia phát triển.

Chẳng hạn, tại Mỹ, hơn 45% dân số không đáp ứng đủ nhu cầu các vitamin thiết yếu như A, C, D và E. Đáng lo ngại hơn, nhiều người không hề nhận ra điều đó cho đến khi sức khỏe xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

Để duy trì hoạt động tối ưu, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ năng lượng thông qua các chất đa lượng (chất đạm, đường bột, chất béo) và vi lượng (vitamin và khoáng chất). Việc thiếu hụt bất kỳ nhóm nào trong số này đều có thể gây ra những rối loạn về thể chất và tinh thần.

Dưới đây là sáu biểu hiện phổ biến mà cơ thể có thể đang dùng để cảnh báo bạn về một tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.

Nứt nẻ ở khóe miệng: Dấu hiệu từ da và hệ miễn dịch

Tình trạng da bị nứt, đỏ và đau ở hai khóe miệng, còn gọi là viêm mép, có thể do nhiễm nấm. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng đây cũng có thể là biểu hiện của việc thiếu vitamin B12, folate, riboflavin, sắt và kẽm – những chất cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của làn da và hỗ trợ làm lành tổn thương.

Chuyên gia dinh dưỡng Raksha Shah nhận định: “Khi thiếu các chất trên, da bị yếu đi, khả năng chống vi khuẩn và nấm cũng giảm, từ đó dẫn đến tổn thương kéo dài ở vùng da nhạy cảm như khóe miệng”.

Tê bì tay chân: Cảnh báo của hệ thần kinh

Cảm giác tê như kim châm ở bàn tay hoặc bàn chân có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lý thần kinh ngoại biên – tình trạng thường xuất phát từ thiếu hụt vitamin nhóm B, đặc biệt là B6, B12, thiamin và folate. Những người ăn chay, người sau phẫu thuật giảm cân hoặc mắc rối loạn hấp thu có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Móng tay lõm hình thìa: Cảnh báo thiếu sắt

Móng tay khỏe mạnh thường có độ cong nhẹ từ gốc đến đầu móng. Nếu móng của bạn lõm ở giữa và cong lên ở gốc – giống hình chiếc thìa – rất có thể bạn đang thiếu sắt.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-14 lúc 14.06.19
Móng lõm hình thìa là hiện tượng phần giữa của móng tay (hoặc móng chân) bị lõm xuống, phần xung quanh cạnh của móng tay lại vênh lên. Theo các chuyên gia đây là cảnh báo cơ thể bị thiếu sắt.

Chuyên gia Andrea Ballenthin cho biết: “Cơ thể khi thiếu sắt sẽ ưu tiên vận chuyển oxy cho các cơ quan quan trọng trước, khiến vùng mầm móng không đủ dưỡng khí để sản xuất keratin – thành phần chính của móng tay. Hệ quả là móng tay yếu, dễ gãy và biến dạng”.

Lưỡi đỏ, rát: Cảnh báo thiếu B12 và sắt

Lưỡi đỏ, sưng và trơn nhẵn có thể là dấu hiệu của viêm lưỡi – tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt vitamin B12 hoặc sắt. Khi thiếu hai dưỡng chất này, các gai vị giác (papillae) có thể bị mất đi, làm giảm khả năng cảm nhận mùi vị và khiến bề mặt lưỡi trở nên nhẵn bóng.

Theo một nghiên cứu, 68% trường hợp viêm lưỡi có liên quan đến thiếu vitamin B12 và 21% liên quan đến thiếu sắt. Tin vui là các gai vị giác có chu kỳ sống chỉ khoảng 10 ngày, nên nếu được bổ sung đúng cách, lưỡi có thể hồi phục khá nhanh.

Mệt mỏi kéo dài: Khi cơ thể “biểu tình” vì thiếu chất

Cảm giác mệt mỏi có thể do mất ngủ hoặc căng thẳng, nhưng nếu tình trạng này kéo dài và không cải thiện sau nghỉ ngơi, đó có thể là do cơ thể thiếu vitamin B, vitamin C, kẽm, magie hoặc sắt – những yếu tố then chốt trong quá trình sản xuất năng lượng và vận chuyển oxy. Thiếu chúng, tế bào không đủ “nhiên liệu” để hoạt động, khiến bạn cảm thấy uể oải, giảm tập trung và giảm hiệu suất lao động.

Vết thương lâu lành: Biểu hiện suy yếu khả năng phục hồi

Nếu những vết trầy xước nhỏ, vết bỏng hoặc cắt nhẹ mất quá nhiều thời gian để liền da, đó có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang thiếu các chất như kẽm, sắt, magie, đồng và vitamin C, D. Những vi chất này đóng vai trò trong từng giai đoạn phục hồi da – từ việc sản sinh tế bào mới đến tổng hợp collagen để tái tạo mô tổn thương.

Chuyên gia Jessica Strawn lưu ý: “Ngay cả những vết thương nhỏ cũng cần một hệ thống dưỡng chất phức tạp để phục hồi. Khi thiếu hụt, quá trình lành da sẽ bị trì trệ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo”.

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng:

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-14 lúc 14.18.46
Tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng để phòng tránh.

Chế độ ăn đơn điệu hoặc thiếu hụt: Ăn uống kém đa dạng, khẩu phần nghèo nàn do bệnh lý, thói quen kén ăn hoặc điều kiện kinh tế hạn chế đều có thể khiến cơ thể không nhận đủ các dưỡng chất cần thiết.

Rối loạn tiêu hóa: Các bệnh lý như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích... có thể cản trở khả năng hấp thu vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K) hoặc khoáng chất, dù bạn ăn uống đầy đủ.

Ăn kiêng quá mức: Việc loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm, giảm mạnh lượng carbohydrate hoặc chất béo có thể làm mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng.

Tuổi tác: Khi lớn tuổi, cơ thể giảm khả năng hấp thụ canxi, vitamin D, B12, làm tăng nguy cơ thiếu hụt ngay cả khi ăn uống bình thường.

Lạm dụng thực phẩm chức năng: Việc bổ sung quá mức một số khoáng chất như sắt, kẽm, photpho có thể gây cản trở hấp thu các chất khác, dẫn đến mất cân bằng vi chất trong cơ thể.

Lời khuyên từ chuyên gia

Những dấu hiệu nhỏ mà cơ thể cảnh báo không nên bị xem nhẹ. Chúng có thể là chỉ dấu ban đầu của một vấn đề sức khoẻ và dinh dưỡng tiềm ẩn.

Khi phát hiện những biểu hiện bất thường kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được kiểm tra và tư vấn. Xét nghiệm máu có thể giúp xác định chính xác các thiếu hụt và từ đó đưa ra lộ trình bổ sung phù hợp, thông qua điều chỉnh khẩu phần ăn hoặc sử dụng thực phẩm chức năng.

Sức khỏe bền vững bắt đầu từ sự lắng nghe cơ thể mỗi ngày. Hãy quan tâm đúng mức đến những tín hiệu dù là nhỏ nhất.

Hồng Nhung