Địa phương

Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

Minh Đức 14/07/2025 06:44

Đồng Nai là địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn ở khu vực Đông Nam bộ. Việc quy hoạch đất cho khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, song cần tính toán để sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Phân bổ khai thác khoáng sản cho dự án trọng điểm

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/6/2025, áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tính đến thời điểm này, cả 3 dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đều đã được áp dụng cơ chế đặc thù trong hoạt động khai thác khoáng sản, được phép tăng tối đa 50% công suất khai thác so với giấy phép hiện hành.

Liên quan đến việc tăng 50% công suất khai thác theo Nghị quyết số 168, kết quả rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 14 mỏ đang khai thác đủ điều kiện và đã kiến nghị được áp dụng. Nếu được chấp thuận, từ nay đến cuối năm, những mỏ này có thể cung cấp thêm khoảng 5 triệu mét khối đá, đủ phục vụ nhu cầu các dự án.

g1.jpg
Khai thác khoáng sản tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Lộc

Tỉnh Đồng Nai cũng đã phân bổ, khai thác đá xây dựng đến từng nhà thầu và từng mỏ đá. Tỉnh đã phân bổ và khai thác cung cấp cho Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành hơn 4,3 triệu mét khối đá; Ban Quản lý dự án 85 gần 700.000m3 đá; Ban Quản lý dự án công trình giao thông Đồng Nai hơn 1 triệu mét khối đá. Với dự án trọng điểm ngoài tỉnh, đã phân bổ, khai thác cung cấp cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận hơn 600.000m3 đá; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình TP. Hồ Chí Minh gần 750.000m3 đá. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Long An gần 500.000m3 đá.

Hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư, chuyển nhượng dự án, điều chỉnh giấy phép khai thác tại các mỏ đá, làm cơ sở để mỏ đá được nâng công suất khai thác.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, từ nay đến cuối năm 2025, 3 dự án gồm sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đoạn qua Đồng Nai cần hơn 4 triệu mét khối đá. Riêng sân bay Long Thành cần gần 3,6 triệu mét khối.

UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh thời gian tới tiếp tục phối hợp với các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu báo cáo cụ thể về chủng loại, tiến độ và nhu cầu đá xây dựng. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung phân khai nguồn đá xây dựng cho các mỏ, bảo đảm các công trình được cung cấp đá đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ các mỏ đá hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuê đất, xử lý vi phạm hành chính, gia hạn và bổ sung giấy phép.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản

Là địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn, từ lâu tỉnh Đồng Nai đã luôn xác định, khoáng sản là vật liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai. Vì thế, việc quy hoạch, thăm dò, cấp phép, khai thác khoáng sản phải tính toán kỹ. Mỏ khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, quy hoạch khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản phải tuân thủ phương án và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, không được làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, phải hoàn thổ hậu khai thác.

Với mục tiêu khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã quy hoạch khai thác 40 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích hơn 1,4 nghìn hecta để phục vụ xây dựng dân dụng và các công trình, dự án trọng điểm. Về mỏ sét gạch ngói, sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác các điểm mỏ đã quy hoạch trước. Tương tự, với nguồn vật liệu san lấp, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh các mỏ chưa phù hợp quy hoạch, bổ sung các điểm mỏ mới.

Để bảo đảm nguồn vật liệu cho tương lai, bảo vệ môi trường, tỉnh cũng quy hoạch các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản. UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện kiểm kê tài nguyên khoáng sản để triển khai phương án bảo vệ, thăm dò khai thác theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản.

Thống kê cho thấy, trong năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 73 vụ vi phạm pháp luật về các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã phát hiện bắt giữ 28 vụ có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng không có giấy phép, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Để ngăn ngừa tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên, khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, sai phạm, để bảo đảm hoạt động khai thác khoáng sản đúng theo quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.

Minh Đức