Xuất khẩu thủy sản thích ứng với biến động thuế quan
Xuất khẩu thủy sản tăng chậm trong tháng 6 do ảnh hưởng từ thuế quan của Hoa Kỳ, đặc biệt với mặt hàng tôm và cá tra. Dự báo nửa cuối năm, kim ngạch có thể giảm sâu nếu mức thuế đối ứng tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới và đầu tư công nghệ cao để duy trì tăng trưởng.
Xuất khẩu tôm, cá tra tăng trưởng chậm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi tăng mạnh trên 20% trong tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta trong tháng 6 vẫn cao hơn cùng kỳ, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ đạt 4%, tương đương 876 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 19,6%, 18,2% và 15%.

Riêng với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 - thời điểm Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh rủi ro bị áp thuế cao.
Xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%. Tại khu vực Trung Đông, xuất khẩu giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của chiến sự. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel - thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ đóng hộp, đã giảm hơn 50%.
Ở chiều ngược lại, các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, với mức tăng dao động từ 15% đến gần 28%.
Về sản phẩm, đà tăng trưởng của hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra cũng chậm lại do ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), còn cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%). Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng của thuế quan từ Hoa Kỳ - thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%.
Hai kịch bản xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm
Theo VASEP, triển vọng xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm đối với hai ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Đặc biệt, ngành tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế”, gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của kỳ rà soát POR20, theo đó bảy doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra bứt phá.
VASEP dự báo hai kịch bản xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm. Kịch bản thứ nhất: Thuế đối ứng của Hoa Kỳ sau ngày 9/7 ở mức 10%. Khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Hoa Kỳ.
Kịch bản thứ hai: Thuế đối ứng từ 10% đến 46%, xuất khẩu thủy sản có nguy cơ giảm sâu, chỉ còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Hoa Kỳ sẽ không còn là thị trường ổn định, đặc biệt đối với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp. Trong kịch bản này, sự cạnh tranh từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU, ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.
Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 thị trường, đứng thứ ba thế giới về nguồn cung. Trước nhiều thách thức hiện hữu, đặc biệt là chính sách thuế quan, ông Nam nhấn mạnh: ngành thủy sản cần có động lực mới để phát triển bền vững hơn. Trong đó, công tác xúc tiến thị trường đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo dư địa tăng trưởng cho ngành.
Đơn cử, thị trường Hàn Quốc - quốc gia nhập khẩu hơn 1 tỷ USD sản phẩm thủy sản Việt Nam mỗi năm - vẫn còn nhiều tiềm năng. Hiện nay, hiệp định thương mại tự do giữa hai nước chỉ áp dụng mức thuế ưu đãi cho 15.000 tấn sản phẩm nhập khẩu. Nếu vượt quá ngưỡng này, các doanh nghiệp phải tham gia đấu thầu và không còn được hưởng thuế suất ưu đãi.
VASEP cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp đàm phán để giúp doanh nghiệp thủy sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Đồng thời, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và xúc tiến thương mại nhằm đưa sản phẩm Việt Nam vào các thị trường mới như Trung Đông, Trung - Nam Mỹ, và đặc biệt là các thị trường mới nổi mà Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại như Anh và Australia.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản cần chú trọng phát triển công nghệ cao để tạo thêm giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, với ngành tôm, nếu nuôi theo công nghệ cao, doanh thu từ mỗi hecta nuôi có thể đạt tới 2 tỷ đồng. Nếu đầu tư ở quy mô 100ha, doanh thu sẽ là con số rất ấn tượng.
Đại diện VASEP đề xuất, trong lĩnh vực công nghệ cao, nên áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho ngành tôm là 2% trong ba năm đầu và 5% cho các năm tiếp theo. Nhiều quốc gia hiện đã áp dụng lãi suất gần 0% cho ngành tôm. “Việc chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm có thể là một bước đột phá giúp ngành thủy sản Việt Nam tăng doanh thu mạnh mẽ, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số của cả nước”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.