Xây dựng Luật Dân số:Tìm lời giải cho bài toán dân số và phát triển
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ già hóa nhanh và chất lượng dân số chưa đồng đều; việc xây dựng Luật Dân số trở thành một đòi hỏi cấp thiết, giúp khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm định hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Chủ động thích ứng với biến động về nhân khẩu học
Theo số liệu của Bộ Y tế, mức sinh trung bình của cả nước đã giảm từ 2,11 con/phụ nữ vào năm 2021 xuống chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. Dự báo nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, và từ sau năm 2054, dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.

Song song với vấn đề mức sinh thấp là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài nhiều năm, chưa có dấu hiệu cải thiện. Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái), đạt 109,8 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2024, tỷ lệ này đã lên tới 111,4. Bộ Y tế cảnh báo nếu xu hướng này tiếp diễn, đến năm 2039, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49, và con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Hệ quả kéo theo sẽ rất nghiêm trọng, như mất cân đối trong cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng kết hôn muộn, không thể kết hôn, dẫn tới các hệ lụy như mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo lực giới, tội phạm xuyên quốc gia.
Tốc độ già hóa dân số cũng đang gia tăng nhanh chóng, đặt áp lực lên hệ thống an sinh, y tế, đồng thời làm biến đổi cấu trúc dân số trong dài hạn. Trong khi đó, chất lượng dân số giữa các vùng miền chưa đồng đều. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tầm vóc, thể lực, điều kiện sống của người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế so với các khu vực phát triển hơn.
Thể chế hóa quyền tự quyết về sinh sản
Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về dân số để chủ động thích ứng với biến động nhân khẩu học, nhất là trong xu hướng mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh hiện nay. Pháp luật phải tạo điều kiện để người dân được tự quyết về sinh sản trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều kiện sống và bảo đảm bình đẳng.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số và Chương trình mục tiêu Quốc gia... với mục tiêu bảo đảm an sinh, sức khỏe, bình đẳng cho mọi người dân với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước.
Dự án Luật Dân số gồm 7 chương, 21 điều, tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Trong đó, nổi bật như nhóm chính sách về duy trì mức sinh thay thế: hỗ trợ tài chính cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; ưu đãi chế độ nghỉ thai sản (nghỉ thêm 1 tháng hoặc 5 ngày khi sinh con); hỗ trợ chi phí ăn cho trẻ mầm non; hỗ trợ phụ nữ trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; tiếp cận nhà ở xã hội.
Chính sách về giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, đặt ra yêu cầu cấm tiết lộ giới tính thai nhi (trừ trường hợp phục vụ điều trị); lồng ghép nội dung "không trọng nam hơn nữ" vào hương ước cộng đồng; hỗ trợ tài chính cho gia đình sinh hai con gái.
Cùng với đó là các chính sách về chăm sóc người cao tuổi tăng cường tư vấn tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số... Đặc biệt là việc thể chế hóa quyền tự quyết về sinh sản, bảo đảm quyền lựa chọn thời điểm, số con và khoảng cách sinh của cá nhân, vợ chồng trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện. Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bảo đảm tính khả thi và nhất quán
Mới đây, Hội đồng thẩm định Dự án Luật Dân số đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
Trong quá trình thẩm định, Dự thảo Luật Dân số nhận được sự thống nhất cao về tính cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị, bổ sung định nghĩa các khái niệm nền tảng như "già hóa dân số", "dân số già" để bảo đảm sự minh bạch trong áp dụng và xây dựng chính sách theo độ tuổi; bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ cho người vô sinh, hiếm muộn - một nhóm dân số ngày càng gia tăng nhưng chưa được quy định rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng thời, quy định rõ điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dân số ngoài yếu tố tài chính, như hệ thống dữ liệu số, nhân lực y tế, năng lực cơ sở chăm sóc cộng đồng. Với tính chất là đạo luật nền tảng, Luật Dân số phải bảo đảm tính khả thi trong thực tế, đặc biệt là tại tuyến cơ sở - nơi chính sách được đưa đến trực tiếp cho người dân.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị, Bộ Y tế bổ sung nguyên nhân của các bất cập hiện tại, không chỉ dừng lại ở việc nêu thực trạng; làm rõ nội hàm khái niệm dân số phát triển, bởi đây là chuyển hướng tư duy căn bản của công tác dân số trong giai đoạn tới. Đặc biệt, cần cụ thể hóa và quy phạm hóa đầy đủ các nhóm chính sách đã được thông qua, bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết lớn như Nghị quyết 21-NQ/TW, Kết luận 149-KL/TW về công tác dân số, Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần phản ánh đúng các mục tiêu về quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố và động lực dân số, hướng tới khai thác hiệu quả thời kỳ dân số vàng và chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số.
Mặt khác, Luật Dân số có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều đạo luật hiện hành như: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Nhà ở. Do đó phải bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo quy phạm pháp luật. Quá trình hoàn thiện cần huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, bảo đảm tiếng nói của các bộ, ngành được phản ánh đầy đủ trong từng điều khoản cụ thể.