Nghị viện thế giới

Bài 2: Chiến lược “One Big Thing” của Anh - tích hợp AI vào gốc rễ khu vực công

Quỳnh Vũ 14/07/2025 07:06

Tháng 9 tới, Chính phủ Anh sẽ khởi động chiến dịch “One Big Thing 2025", với trọng tâm là đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) cho công chức. Đây không chỉ là nỗ lực mang tính toàn diện nhằm xây dựng một nền hành chính công hiện đại, chủ động và thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mà còn là nỗ lực để thay đổi tư duy cách tiếp cận của bộ máy công chức, vốn được đánh giá là chậm đổi mới.

Đào tạo từ thực tiễn

Chương trình đào tạo AI sẽ được triển khai chính thức từ tháng 9 năm nay, bao gồm: đào tạo lý thuyết và thực hành với các công cụ AI phục vụ cho hoạt động công vụ; hội thảo nhóm và huấn luyện tại chỗ nhằm thúc đẩy trao đổi ý tưởng, hỗ trợ đồng nghiệp và phát triển tinh thần đổi mới trong từng đơn vị. Công chức sẽ được học những kiến thức cơ bản về AI, đồng thời được thử nghiệm công nghệ này trong công việc cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Đặc biệt, các nhà quản lý được kỳ vọng sẽ bố trí thời gian phù hợp để nhân viên tham gia đầy đủ chương trình, và các cá nhân sẽ có trách nhiệm đánh giá khả năng ứng dụng AI vào công việc của mình, nhằm giảm tải thủ công, cải thiện năng suất và đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn.

z6793898044168_257110303ed484b3d28250c2b43d3226.jpg
Chiến lược One Big Thing của Chính phủ Anh mang lại hiệu quả lớn đối với lĩnh vực công. Nguồn: Government Communication Service

“One Big Thing” là chương trình nâng cao kỹ năng thường niên do Chính phủ Anh khởi xướng, nhằm tạo ra sự chuyển đổi văn hóa lâu dài trong khu vực công. Mỗi năm, chiến dịch chọn một chủ đề trọng tâm để trang bị cho công chức những kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết, từ đó giúp họ phục vụ người dân tốt hơn trong bối cảnh môi trường số ngày càng phát triển.

Nếu như năm 2023, chương trình tập trung vào dữ liệu và đã cung cấp khoảng 500.000 giờ đào tạo về dữ liệu cho hơn 200.000 công chức, thì năm 2024 - AI sẽ là “nhân vật chính”. Năm ngoái, chủ đề đổi mới sáng tạo cũng được nhấn mạnh và các kết quả thu được đã được chia sẻ tại Hội nghị Đổi mới toàn cầu do Global Government Forum tổ chức.

Theo Chính phủ Anh, việc lựa chọn AI làm trọng tâm của chiến lược One Big Thing 2025 là sự thừa nhận vai trò then chốt của công chức trong việc “định hình cách AI được sử dụng một cách có trách nhiệm để mang lại lợi ích tốt hơn cho công chúng”. Đây không chỉ là một sáng kiến về đào tạo kỹ năng, mà là một bước đi chiến lược nhằm tích hợp AI vào tận gốc rễ của khu vực công.

Humphrey - bộ công cụ AI thực chiến cho công chức

Chương trình đào tạo AI cho công chức Anh sẽ được thực hiện song song với quá trình khuyến khích công chức chủ động tìm kiếm giải pháp ứng dụng AI vào công việc hàng ngày, giúp giảm bớt quy trình, rút ngắn thời gian xử lý công việc mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Các cơ quan của Chính phủ đã bắt đầu thí điểm bộ công cụ AI có tên Humphrey, được ra mắt vào tháng 5 vừa qua. Humphrey bao gồm một loạt các công cụ AI hỗ trợ thực tiễn bao gồm:

Consult:phân tích phản hồi từ các cuộc tham vấn công chúng;

Parlex: tìm kiếm và phân tích các nội dung tranh luận trong Nghị viện thông qua các bản ghi và biên bản cuộc họp;

Minute: ghi âm, chuyển giọng nói thành văn bản và tóm tắt các cuộc họp một cách logic hợp lý;

Lex: hỗ trợ nghiên cứu pháp lý và tóm tắt luật;

Redbox: hỗ trợ công chức tóm tắt chính sách, chuẩn bị báo cáo, bản tin. Công cụ Redbox đã được sử dụng để tóm tắt phỏng vấn với các lãnh đạo chính phủ trong báo cáo “Digital Leaders 2024” của Global Government Forum.

Tại Scotland, công cụ Consult đã được áp dụng trong cuộc tham vấn về quy định với dịch vụ thẩm mỹ không phẫu thuật, đánh dấu lần đầu tiên công cụ Humphrey được đưa vào triển khai trong thực tế. Chính phủ Anh ước tính rằng nếu áp dụng công cụ Humphrey cho khoảng 500 cuộc tham vấn hàng năm, có thể tiết kiệm tới 75.000 ngày công, tương đương 20 triệu bảng chi phí nhân sự mỗi năm.

Ngoài ra, một số cơ quan chính phủ Anh đã “tiên phong” trong việc ứng dụng AI. Ví dụ: Bộ Việc làm và Lương hưu (DWP) sử dụng AI để tóm tắt khối lượng lớn thư từ, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) triển khai AI để phân tích hình ảnh X-quang và hỗ trợ bác sĩ đọc kết quả chụp não nhanh hơn, chính xác hơn.

Cơ hội "có một không hai" để tái định hình dịch vụ công

Ngay từ tháng 1 năm nay, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố Kế hoạch Hành động cơ hội AI, với mục tiêu “đưa AI vào dòng máu” của chính phủ. Đến tháng 2/2025, cẩm nang AI dành cho khu vực công được phát hành, đề ra 10 nguyên tắc chung để bảo đảm AI được sử dụng một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.

Những bước đi này cho thấy một tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Anh, theo đó, AI không chỉ là công cụ mà còn là nền tảng cho một nền hành chính mới, nhân văn hơn và hiệu quả hơn.

Phát biểu trên website chính thức của chiến dịch, Giám đốc số của Chính phủ Anh, bà Joanna Davinson nhấn mạnh: “AI mang lại cho Chính phủ một cơ hội có một không hai để cải thiện dịch vụ và giải quyết các vấn đề phức tạp. Trọng tâm năm nay cho thấy mọi người trong bộ máy hành chính, từ nhà hoạch định chính sách đến nhân viên tuyến đầu đều có thể hưởng lợi từ AI”.

Bà Davinson cũng khẳng định, việc trang bị kiến thức AI cho đội ngũ công chức không chỉ là chuẩn bị cho tương lai, mà còn là chủ động kiến tạo tương lai, thông qua việc thiết kế những dịch vụ linh hoạt, hiệu quả và gần gũi hơn với nhu cầu thực tế của người dân.

Cựu Chánh văn phòng Nội các Anh, ông Simon Case, từng nhận định khi phát động chiến dịch năm ngoái rằng: “Đổi mới trong Chính phủ nên được hiểu là những thay đổi nhỏ nhưng tích luỹ lại sẽ tạo nên sự khác biệt lớn”.

Chính vì thế, chiến dịch lần này không chỉ đơn thuần là dạy cho các công chức sử dụng các công cụ AI, mà còn là một nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng nền hành chính dám thử, dám làm và không ngừng học hỏi từ thực tế, liên tục đổi mới để mang đến các dịch vụ hiệu quả hơn cho người dân.

Quỳnh Vũ