Chính sách và cuộc sống

KPI - công cụ đánh giá công chức minh bạch

Song Hà 14/07/2025 06:37

Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương vừa tổ chức hội nghị công bố Quy định về khung tiêu chí đánh giá hiệu suất công tác cá nhân và đơn vị tại Ban (KPIs). Việc áp dụng khung đánh giá này là một công cụ đánh giá cá nhân, đơn vị một cách khách quan, minh bạch. Đây cũng là cơ sở để thực hiện tinh lọc cán bộ, công chức trên nguyên tắc “có vào, có ra”, “có lên, có xuống”.

z6759668548631_bbd7a6e9c9ea495cf32b38896486dfec.jpg
Tại phường Thủ Đức, robot đã được trang bị để hỗ trợ, phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn. Ảnh: Tịnh Hà

Theo đó, khung KPIs nhằm thiết lập cơ sở đo lường khách quan, định lượng được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân và đơn vị; tăng cường ý thức trách nhiệm; thúc đẩy cải thiện năng suất lao động và tối ưu hóa quy trình làm việc; bảo đảm sự gắn kết giữa kế hoạch, mục tiêu công việc của cán bộ, công chức với kế hoạch, mục tiêu chung của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khung đánh giá này còn để xây dựng cơ sở đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành công việc một cách minh bạch, chính xác; khuyến khích cán bộ, công chức chủ động phát huy điểm mạnh và hạn chế, khắc phục điểm yếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức và của đơn vị đối với kết quả thực hiện kế hoạch công tác và các nhiệm vụ theo phân công.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ, công chức là một việc khó cho người đứng đầu, bởi các tiêu chí đánh giá chưa quy định cụ thể. Đó là chưa kể tâm lý nể nang, né tránh dẫn đến việc đánh giá cán bộ, công chức còn chung chung, cảm tính, cào bằng thành tích, chưa phản ánh đúng thực chất công việc. Hậu quả là người làm được hay không là như nhau, điều này dẫn đến giảm động lực làm việc, giảm ý chí phấn đấu của cán bộ, công chức.

Trước yêu cầu của bộ máy sau sắp xếp tinh gọn, nhất là khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải đáp ứng yêu cầu trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong tình hình mới. Muốn vậy, cần có công cụ đánh giá cán bộ, công chức một cách cụ thể, minh bạch, thực chất.

Đáng chú ý, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai đánh giá cán bộ, công chức theo số lượng, chất lượng và tiến độ và hiệu quả công việc. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số không giấy trên môi trường điện tử gắn với đánh giá KPI. Với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh quy chế làm việc theo phương châm "6 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thẩm quyền, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm) và triển khai đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức bằng KPI để nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ... Điều này một lần nữa cho thấy, các địa phương đã rất tích cực, chủ động trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ tâm, đủ tầm, “vừa hồng, vừa chuyên” sau sắp xếp bộ máy để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức. Một trong những điểm mới của Luật là đã quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI).

Căn cứ vào kết quả của việc đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc bố trí vào vị trí việc làm cao hơn; thực hiện chế độ tiền lương, chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật; thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng theo quy định. Đồng thời, kết quả đánh giá cũng là cơ sở để xem xét, bố trí công chức vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc đối với trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Luật đã quy định rõ về đánh giá cán bộ, công chức, tuy nhiên, để Luật sớm đi vào cuộc sống và triển khai thống nhất, thuận lợi, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. Chỉ khi tiêu chí cụ thể, thì việc đánh giá công chức mới minh bạch, khách quan, tránh cảm tính, cào bằng. Có như vậy, mới loại được người không làm được việc ra khỏi bộ máy.

Song Hà