Kinh tế

Kiểm toán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán

Minh Anh 13/07/2025 10:42

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán "Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.

Ngày 11/7, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 31 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2025).

3.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì hội nghị.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách 8.344 tỷ đồng

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đã hoàn thành toàn diện và chất lượng các nhiệm vụ công tác theo đúng kế hoạch với nhiều kết quả, nổi bật là trong hoạt động kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2025 của KTNN lập đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Phương án tổ chức kiểm toán năm 2025 được xây dựng theo hướng tiếp tục bố trí sắp xếp lồng ghép hợp lý các đoàn kiểm toán góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương; cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm.

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán "Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng - trong đó, tăng thu 2.410 tỷ đồng, giảm chi 5.934 tỷ đồng, các kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong điều kiện các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành điều chỉnh kế hoạch kiểm toán, phương án tổ chức kiểm toán để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện kế hoạch kiểm toán năm 2025, vừa tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Kiểm toán Nhà nước đã giảm một số cuộc kiểm toán tại các bộ, ngành, các cuộc kiểm toán liên quan đến cấp huyện, đồng thời điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán, ưu tiên tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh hoàn thành trước 30/6/2025.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hành Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đối với kết quả kiểm toán năm 2023 cho niên độ ngân sách nhà nước năm 2022 và kiến nghị năm trước chưa thực hiện; đồng thời công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tính đến ngày 15/6/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác (cho niên độ ngân sách năm 2023) đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%. Tính đến 30/6/2025, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đang làm các thủ tục để chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Cơ bản hoàn thành kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

Trên cơ sở đánh giá toàn diện hoạt động trong 6 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành thắng lợi, toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025.

2.1.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025 theo kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2026 - 2028 và kế hoạch kiểm toán năm 2026, trong đó trọng tâm định hướng tổ chức hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và việc thực thi các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổng hợp, thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành trong triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, 6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh hết sức đặc biệt song toàn Ngành đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. KTNN đã thích nghi rất nhanh, rất linh hoạt với bối cảnh sắp xếp bộ máy. Đến nay, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Xác định bước vào 6 tháng cuối năm với bộn bề rất nhiều việc, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch công tác để đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các nhiệm vụ phát sinh.

Đồng thời, toàn Ngành cần khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030, đặc biệt là tập trung thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị; Nâng cao chất lượng kiểm toán, tập trung kiểm toán chuyên đề, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Việc xây dựng 4 Nghị quyết chuyên toàn khóa phải đảm bảo bám sát tinh thần 4 Nghị quyết được coi là “bộ tứ trụ cột” góp phần đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Toàn Ngành khẩn trương ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, các đơn vị cần bám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán...

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình, dự án, phát huy tối đa hiệu quả; tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số và đào tạo; đảm bảo chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động KTNN, đặc biệt là cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động.

Minh Anh