Trên đường phát triển

Giảm nghèo ở Sơn La: Nhiều bước tiến quan trọng

Tùng Dương 13/07/2025 07:05

Bằng các chương trình hỗ trợ hiệu quả, tỉnh Sơn La đã kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 10%, với mức giảm trung bình hơn 3% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Giai đoạn 2021 - 2025, 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Nhờ đó, việc tổ chức thực hiện các chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả toàn diện. Với phương châm "Diện mạo mới - cuộc sống mới", tính đến tháng 6.2025, hầu như các xã của Sơn La đã đạt chuẩn nông thôn mới...

sla1.jpg
Người dân Sơn La được nhà nước hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, phát triển cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Trần Long

Một điểm đáng ghi nhận ở nhiều xã tại Sơn La, đó là kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải thiện rõ nét; an sinh xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được những thành quả ấn tượng; các mô hình sinh kế, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, tín dụng chính sách… được triển khai linh hoạt, góp phần tạo việc làm bền vững và cải thiện thu nhập cho người dân.

Một trong những điểm nhấn nổi bật góp phần vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh là việc hoàn thành Đề án Xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2020 - 2025 với kết quả vượt kế hoạch. Tính đến nay, Sơn La đã hoàn thành xây dựng 3.058 căn nhà cho các hộ nghèo, nhiều hơn 221 căn so với chỉ tiêu đề ra. Thành tựu này không chỉ cải thiện điều kiện sống, mà còn góp phần nâng cao tinh thần, ý chí vươn lên của người dân khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng chú trọng hỗ trợ sinh kế và tạo sinh lực cho người nghèo thông qua nhiều giải pháp đồng bộ. Giai đoạn vừa qua, hơn 9.300 lao động được hỗ trợ kết nối việc làm, hơn 13.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, mở ra cơ hội chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập một cách bền vững. Các chương trình hỗ trợ khám, chữa bệnh, học tập cho học sinh, người dân nghèo cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời.

Qua đó, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 10%, với mức giảm bình quân trên 3% mỗi năm, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Như vậy, qua những kết quả tích cực, có thể thấy, đời sống của hàng nghìn hộ gia đình, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang ngày càng được cải thiện.

Triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, người dân tộc thiểu số nói riêng và người dân vùng nông thôn nói chung; người dân đã tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước; mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác lập đề án và tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng; việc duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới sau đạt chuẩn chưa bền vững; tiến độ giải ngân vốn còn chậm.

Mặt khác, liên kết sản xuất còn manh mún, thiếu bền vững; năng lực cán bộ cấp cơ sở chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chưa thường xuyên; phong trào thi đua còn rời rạc giữa các chương trình. Đặc biệt, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã khiến một số xã mới sáp nhập chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Sơn La xác định rõ mục tiêu và giải pháp khắc phục những khó khăn trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân; nhân rộng mô hình hiệu quả, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào thực hiện chương trình. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với quy định mới và thực tiễn khi tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn và đối tượng yếu thế. Mặt khác, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình, nhất là cấp xã, thôn bản; đổi mới tập huấn theo hướng thực tiễn, dễ tiếp cận, phù hợp từng nhóm đối tượng.

Bằng nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Sơn La giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào cuối năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024.

Tùng Dương