Xã hội

Bước tiến mới phòng, chống bạo lực gia đình

Tiểu Phong 13/07/2025 06:42

Bạo lực gia đình là vấn nạn xã hội âm thầm nhưng nhức nhối. Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay với dữ liệu manh mún, thiếu công cụ hỗ trợ thì việc Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2025/NĐ-CP và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kế hoạch hành động chi tiết, đồng bộ là bước ngoặt lớn, hướng tới hình thành một hệ thống dữ liệu quốc gia thông minh, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Dùng dữ liệu để ngăn chặn bạo lực gia đình

Ngày 21/5, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm thực hiện Điều 43 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc xây dựng một Cơ sở dữ liệu tập trung không chỉ khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin kéo dài tại nhiều địa phương, mà còn đóng vai trò như một “hệ thần kinh trung ương” của hệ thống phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc. Hệ thống này sẽ giúp theo dõi, giám sát, cảnh báo và xử lý các vụ việc một cách chủ động, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Theo Nghị định số 110/2025/NĐ-CP, Cơ sở dữ liệu sẽ tập hợp các thông tin quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình được nêu tại Điều 46 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bao gồm: thông tin về ban hành và thực thi chính sách, công tác truyền thông, tình hình vi phạm pháp luật, các vụ việc cụ thể, kết quả hòa giải, cũng như thông tin về người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực… Điểm đặc biệt là hệ thống này sẽ triển khai thống nhất trên toàn quốc, thông qua phần mềm quản lý dùng chung, có khả năng kết nối đa ngành, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Việc xây dựng và khai thác Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình hướng đến nhiều mục tiêu. Trước hết là phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác. Đồng thời, cung cấp dữ liệu kịp thời để bảo vệ nạn nhân, ngăn chặn hành vi bạo lực, xử lý vi phạm; giảm tải chi phí và nguồn lực thu thập, báo cáo, xử lý thông tin, cung cấp bằng chứng hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá chính sách. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý dữ liệu và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về phòng, chống bạo lực gia đình.

Cũng tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý, vận hành phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình dùng chung bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt.

bao-luc.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: T.L

Vận hành Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực từ năm 2026

Nghị định số 110/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2025. Để thực thi Nghị định này kịp thời, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 110/2025/NĐ-CP. Theo đó, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Nghị định tới cán bộ, công chức làm công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; biên soạn tài liệu tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Nghị định số 110/2025/NĐ-CP trên phương tiện truyền thông đại chúng; cập nhật quy phạm pháp luật mới, đề mục mới vào đề mục “Phòng, chống bạo lực gia đình” trong Bộ pháp điển.

Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, trong 2 năm 2025 – 2026, Bộ sẽ tiến hành khảo sát hạ tầng kỹ thuật, đánh giá nguồn nhân lực, đề xuất giải pháp công nghệ và xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai dự án trong giai đoạn 2026 – 2030.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiến hành tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phần mềm Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Từ năm 2026 và các năm tiếp theo, Bộ sẽ quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực; tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành Nghị định số 110/2025/NĐ-CP

Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống dữ liệu về bạo lực gia đình là bước đi cần thiết và cấp bách. Nhiều vụ việc đau lòng có thể được phòng ngừa từ sớm nếu có thông tin kết nối và được giám sát kịp thời.

Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc chuyển từ mô hình “phản ứng sau” sang “phòng ngừa chủ động”, lấy dữ liệu làm nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên thực tế.

Thành công của hệ thống dữ liệu này phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, các địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực, nhân sự và hạ tầng, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.


Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện

Tiểu Phong