Quốc tế

Israel và Hamas tiến gần thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza:Cơ hội cuối để chấm dứt chiến sự lâu dài, bền vững

Hồng Nhung 12/07/2025 14:44

Mặc dù chưa đạt được đồng thuận cuối cùng nhưng các bên đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, mở đường cho quá trình chấm dứt chiến sự lâu dài và bền vững tại khu vực này.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-12 lúc 02.09.42
Đàm phán Israel - Hamas đã vượt qua nhiều trở ngại và đang tiến gần đến thời điểm quyết định.
Ảnh: Reuters

Bước tiến tích cực

Financial Times đưa tin, theo nhiều nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza, Israel và phong trào Hamas đã đạt được một số đồng thuận quan trọng sau khi Mỹ, Qatar và Ai Cập cùng phối hợp đưa ra bản đề xuất khung mới. Bản đề xuất này bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, trả tự do cho hơn một nửa trong số khoảng 50 con tin Israel còn bị giam giữ và bắt đầu tiến trình thương lượng về một giải pháp hòa bình lâu dài.

Đáng chú ý, đề xuất mới của các bên trung gian chia việc trả tự do cho các con tin Israel còn sống thành hai giai đoạn: Đầu và cuối thời gian ngừng bắn. Thi thể của 9 con tin đã thiệt mạng cũng sẽ được trao trả trong giai đoạn đầu. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy cả hai bên: Vừa tạo áp lực lên Israel để cam kết chấm dứt chiến sự, vừa khuyến khích Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ban đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần đã thể hiện thái độ lạc quan, nhấn mạnh rằng “một thỏa thuận đang rất gần”, dù vẫn cần thêm thời gian để hoàn tất các chi tiết.

Những điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ

Tuy vậy, những khác biệt cốt lõi giữa Israel và phong trào Hamas vẫn hiện hữu, trong đó nổi bật là yêu cầu của Israel về việc duy trì hiện diện quân sự trong các khu vực then chốt tại Gaza. Theo đó, quân đội Israel muốn kiểm soát dải biên giới phía nam giáp Ai Cập, bao gồm cả thành phố Rafah đã bị tàn phá nặng nề và vùng ngoại ô Khan Younis, cũng như thiết lập một vùng đệm quân sự rộng 1 km dọc theo toàn tuyến biên giới Israel – Gaza.

Về phía Hamas, nhóm vũ trang này yêu cầu có được cam kết rõ ràng rằng lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột vĩnh viễn. Đây là điều kiện mà Hamas coi là tối thượng trong bối cảnh phong trào này đang suy yếu nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và nguồn lực sau nhiều tháng bị tấn công liên tục.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-12 lúc 01.59.16
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp
tại Lầu Năm Góc ngày 9/7. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn giữ lập trường cứng rắn. Ông tuyên bố rằng Israel chỉ chấm dứt chiến sự khi đạt được ba mục tiêu: Giải giáp hoàn toàn Hamas, triệt tiêu năng lực cầm quyền của nhóm này và phi quân sự hóa toàn bộ Dải Gaza.

Phát biểu tại Washington với Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao Mỹ, ông Netanyahu khẳng định: “Nếu điều này đạt được qua đàm phán thì càng tốt. Còn nếu sau 60 ngày ngừng bắn không mang lại kết quả, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu theo cách khác: Bằng sức mạnh”.

Lập trường của Israel được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ủng hộ, khi ông đổ lỗi cho Hamas là nguyên nhân khiến đàm phán bế tắc, đồng thời chỉ trích yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza là “vô lý” vì sẽ giúp Hamas “trở lại như cũ”.

Cơ hội mong manh giữa những tính toán chiến lược

Thực tế cho thấy, tiến trình hòa bình Trung Đông luôn bị chi phối bởi những toan tính chính trị và an ninh phức tạp. Bản chất của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza không chỉ nằm ở việc ngừng bắn đơn thuần, mà còn là sự thử thách ý chí chính trị và thiện chí thực sự của các bên.

Đối với Israel, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng phải đi kèm bảo đảm an ninh lâu dài, đặc biệt là trước nguy cơ Hamas tái lập khả năng vũ trang. Trong khi đó, Hamas không chấp nhận một thỏa thuận mà không có cam kết chấm dứt vĩnh viễn xung đột, để giữ lại vị thế trong mắt người dân Palestine.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-12 lúc 02.07.53
Việc Israel và Hamas có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn không chỉ mang ý nghĩa
tạm thời chấm dứt đau thương cho hàng triệu người dân Gaza và Israel, mà còn là tiền đề
để đặt nền móng cho một hòa bình bền vững hơn tại Trung Đông. Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, những yếu tố quốc tế cũng đang đóng vai trò trung tâm. Việc Mỹ, Qatar và Ai Cập cùng hợp lực để thúc đẩy tiến trình đàm phán ngừng bắn cho thấy một sự đồng thuận đáng ghi nhận giữa các cường quốc có ảnh hưởng trực tiếp tại Trung Đông. Tuy nhiên, như một quan chức Israel nhận định, chỉ khi đặc phái viên hòa bình của Mỹ Steve Witkoff có mặt tại Doha, Qatar thì mới thực sự có cơ sở để tin rằng thỏa thuận ngừng bắn này sẽ thành hiện thực.

Chờ đợi thời điểm quyết định

Dù chưa có đột phá hoàn toàn, những gì đang diễn ra cho thấy tiến trình đàm phán Israel - Hamas đã vượt qua nhiều trở ngại và tiến gần đến khoảnh khắc quyết định. Việc hai bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn không chỉ mang ý nghĩa tạm thời chấm dứt đau thương cho hàng triệu người dân Gaza và Israel, mà còn là tiền đề để đặt nền móng cho một hòa bình bền vững hơn tại Trung Đông.

Dù vậy, không chỉ 60 ngày, hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được nếu các bên liên quan vượt qua được lợi ích cục bộ, gác lại mối thù hận và cùng nhìn về một tương lai chung, nơi an ninh và nhân đạo có thể song hành. Khi đó, hoà bình mới thực sự có thể trở lại Dải Gaza sau những tháng ngày đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của mình.

Hồng Nhung