Bỏ cơ chế xin - cho trong tự chủ đại học: Nên trả lại những gì thuộc về nhà trường!
Nhìn nhận về vấn đề tư duy quản lý truyền thống, đặc biệt là cơ chế "xin - cho", vẫn đang là một rào cản lớn đối với tiến trình tự chủ đại học hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng điểm rất quan trọng là phải xác định rõ từ hai phía: cơ quan quản lý được làm gì và phía nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường được làm gì.
Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tại Tọa đàm "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?", tổ chức chiều 11/7.

Những gì thuộc về nhà trường, phải trả cho họ đúng nghĩa
Nhìn nhận về vấn đề tư duy quản lý truyền thống, đặc biệt là cơ chế "xin - cho", vẫn đang là một rào cản lớn đối với tiến trình tự chủ đại học hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng điểm rất quan trọng là phải xác định rõ từ hai phía: cơ quan quản lý được làm gì và phía nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường được làm gì.
Những năm 1990, việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thực hiện, nhưng hiện nay tất cả quyền này, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, bậc học cao nhất của giáo dục đại học, đều giao cho nhà trường.
“Quan điểm của tôi là những gì thuộc về nhà trường, thuộc về hiệu trưởng nhà trường thì phải trả cho họ đúng nghĩa. Còn cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đi sâu vào quản lý. Thực chất nếu chúng ta làm được như thế, tự chủ đại học mới đúng nghĩa và sẽ không còn cơ chế xin -cho trong điều kiện hiện nay”, ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng đại học không nên chỉ là công việc của các cơ quan hành chính, mà cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ xã hội - từ người học, doanh nghiệp, và cộng đồng. Bày tỏ đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh, việc kiểm định và đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có các trường đại học có rất nhiều cách đánh giá.
Trong đó, có kênh kiểm định, đánh giá đến từ phía nhân dân, của phụ huynh, đặc biệt là của sinh viên sau thời gian ra trường, từ thực tiễn việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các cơ quan (trong lực lượng vũ trang có công an nhân dân, quân đội nhân dân). Theo ông, đây là những nơi đánh giá chính xác hiệu quả đào tạo.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo như ủy ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… sẽ giúp cho tự chủ đại học mới ngày càng hoàn thiện và tốt hơn.
Vì sao tốc độ tự chủ đại học còn chậm so với kỳ vọng?
Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tự chủ giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua đã thành một động lực để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học nước ta, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dường như trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tự chủ đại học còn khá chậm so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, cũng như của xã hội.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhìn nhận có 3 lý do, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên. Thứ nhất, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam trong thời gian qua đã hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách là tăng cường tự chủ đại học nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với tự chủ là các cơ sở giáo dục phải tự lo.
Nguyên nhân thứ hai là tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.
Điểm thứ ba là cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau. Tựu chung lại là sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học “bó chân, bó tay” khi thực hiện tự chủ.
“Nói đến tự chủ đại học, nói đến động lực để thúc đẩy tự chủ, nói đến nguồn lực để thực hiện tự chủ và nói đến năng lực tự chủ thì trong thời gian qua chúng ta đều gặp phải một số vấn đề. Đó là những rào cản, vướng mắc mà để thúc đẩy tự chủ đại học trong thời gian tới thì phải làm rõ và có những giải pháp”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh, tự chủ không phải là buông lỏng quản lý. Trước đây, Nhà nước cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, luôn có các cơ chế giám sát từ tiền kiểm đến hậu kiểm đi kèm.
Xu thế hiện nay và trong tương lai là tăng cường công tác hậu kiểm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò "kiến tạo", ban hành các chính sách về các quy chuẩn chung như chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Còn tất cả các hệ thống hậu kiểm ở phía sau sẽ đi vào và phát triển mạnh mẽ hơn để giám sát sự vận hành, đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ sẽ có các sản phẩm đào tạo đầu ra có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Trong thời gian này, tư tưởng cũng cần phải thúc đẩy, xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng từ bên trong, cũng như tạo ra các mô hình quản trị mới trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Song song với đó, cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tăng cường sự giám sát của Nhà nước, của xã hội và người học đối với tất cả các hoạt động vận hành của cơ sở giáo dục đại học công lập”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho hay.
Tự chủ đại học là động lực, nền tảng cho hệ thống giáo dục đại học bật lên
Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, nói về các chính sách để thúc đẩy tự chủ đại học trong thời gian hiện nay là “bài toán khá khó”. Nhưng cần thấy rằng tự chủ đại học là xu hướng tất yếu. Tự chủ đại học chắc chắn sẽ là động lực, là nền tảng cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bật lên.
Hiện có rất nhiều điểm vướng mắc, điểm nghẽn chưa được tháo gỡ trong thời gian vừa qua. Đó là tính hình thức trong thiết kế và vai trò của Hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Quyền lực lãnh đạo và quyền lực quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu khiến làm giảm động lực để đẩy mạnh tự chủ và đổi mới. Bên cạnh đó là tính chồng chéo, thiếu hiệu quả khi thiết lập Hội đồng trường giữa Hội đồng trường thành viên và Hội đồng trường đại học ở mô hình Đại học Quốc gia.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho rằng, cần suy xét xem có nên có mô hình quản trị mới đối với tự chủ đại học hay không. Đơn cử, có thể xem xét để các đại học công lập được tự chủ có mô hình quản trị như mô hình quản trị của doanh nghiệp hay tập đoàn. Cần nghiên cứu trước, sau đó thí điểm và nhân rộng, nếu mô hình mới có thể làm thay đổi các động lực cho tự chủ đại học trong thời gian tới.
Ngoài ra, tự chủ đại học với các đơn vị sự nghiệp công lập phải có sự cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và phải được đặt trong một quy hoạch tổng thể, có phân tầng để sau này còn xem xét đến thiết chế, quy chế về đầu tư cho giáo dục đại học nói chung. Quy hoạch này phải đáp ứng được mục tiêu phát triển quốc gia, phát triển vùng, phát triển địa phương với những nhu cầu phát triển của giai đoạn mới mà hiện nay Đảng và nhà nước đặt ra.
Về nguồn lực, PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho rằng, cần phải thay đổi tư duy. Tự chủ là giải pháp để xã hội hóa giáo dục đại học, nhưng không phải cắt giảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, hoàn toàn chỉ dựa vào tự chủ. Tự chủ phải song hành với đầu tư. Đầu tư để đổi mới sáng tạo, để phát triển. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết 57, đại học phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, là nòng cốt thực hiện các đột phá về khoa học công nghệ. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn khác vẫn cần được ưu tiên.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ và cả nước đang cải cách hệ thống chính trị theo hướng "tinh, gọn, mạnh", GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nhìn nhận, cần phổ cập giáo dục phổ thông cho tất cả trẻ em, cho toàn dân, nên giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục mầm non phải đến được các thôn, làng, ấp, bản trên toàn quốc.
Tuy nhiên, với giáo dục đại học-giáo dục tinh hoa, cần tính toán lại, rút bớt các trường đại học để có những đại học mạnh. Những nơi có đại học quốc gia, đại học vùng không nên để những trường đại học nhỏ, thiếu cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đối với những địa phương có phát triển đô thị hóa cao, cần đào tạo nguồn nhân lực lớn hoặc các tập đoàn kinh tế lớn thì nên ưu tiên phát triển các trường đại học của các cơ sở này.
Ông nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục đào tạo, coi đây là đột phá thì phải tăng quyền cho hiệu trưởng. Tất cả đổi mới của nhà trường phải bắt đầu từ thầy giáo, đặc biệt là hiệu trưởng, người quyết định sự đổi mới và thành công của giáo dục và đào tạo.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều cơ chế, tuy nhiên đối với các trường công lập, chúng ta có Ban chấp hành Đảng ủy thì không nên thành lập Hội đồng trường. Đảng ủy nói theo nghĩa nào đó thực chất là Hội đồng trường”, ông nói.
GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cũng bày tỏ kỳ vọng, mô hình tự chủ đại học sẽ được Trung ương tổng kết, để sau đó nhân rộng trong thời kỳ mới của đất nước.