Kinh tế

Logistics xanh - đòn bẩy mới cho năng lực cạnh tranh quốc gia

Vũ Quang 11/07/2025 22:30

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phát thải thấp và đạt chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), logistics xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Đây chính là con đường giúp doanh nghiệp Việt nâng sức cạnh tranh, gia nhập sâu hơn vào mạng lưới giá trị toàn cầu, đồng thời kiến tạo vị thế mới cho ngành logistics quốc gia.

Logistics xanh đang trở thành “lá chắn kinh tế” của doanh nghiệp

Tại Diễn đàn “Logistics xanh - Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/7, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Việt Nam đã sớm bắt nhịp xu thế tăng trưởng xanh toàn cầu thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó logistics là một trong 18 lĩnh vực ưu tiên. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 882/QĐ-TTg) đặt mục tiêu cụ thể: phát triển vận tải đa phương thức, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, thúc đẩy chuyển đổi số và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, xanh hóa chuỗi logistics không còn là sự lựa chọn mang tính tự nguyện, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp Việt muốn duy trì sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu - nơi các rào cản phi thuế quan ngày càng gắn chặt với tiêu chuẩn phát thải và minh bạch ESG.

Không chỉ dừng ở tầm nhìn chiến lược, logistics xanh đang từng bước trở thành tiêu chí then chốt định hình lại hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi toàn bộ các khâu từ thiết kế, sản xuất, vận chuyển, phân phối đến tái chế được tổ chức theo hướng bền vững, doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, nâng cao độ tin cậy và tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc thị trường, ông Công nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Từ góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh, logistics xanh chính là điểm tựa giúp doanh nghiệp vượt qua các cú sốc của thị trường. Dẫn số liệu từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, ông cho biết Việt Nam xếp hạng 43 thế giới về chỉ số hiệu quả logistics và nằm trong top 5 quốc gia dẫn đầu ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ngành logistics đạt khoảng 16%/năm. Ngành này đã đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 786 tỷ USD trong năm 2024.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, logistics xanh đang trở thành “lá chắn kinh tế” giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng. Không chỉ giới hạn ở việc giảm phát thải, logistics xanh còn mang lại lợi ích thiết thực về chi phí thông qua việc tối ưu vận hành, hạn chế tình trạng xe chạy rỗng, ứng dụng công nghệ mới và sử dụng năng lượng sạch. Ông Hải cảnh báo, nếu chậm thích ứng với xu hướng này, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, đặc biệt tại các thị trường lớn như Liên minh châu Âu, nơi đã triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu có mức phát thải cao.

Từ sức ép hội nhập đến cơ hội định vị lại logistics Việt Nam

Mặc dù tiềm năng lớn, song phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam - chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, đang gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi. Chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và hành lang pháp lý chưa đồng bộ là những vướng mắc lớn. Các chính sách hỗ trợ vẫn còn chậm triển khai.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng để logistics xanh thực sự đi vào cuộc sống, cần một hệ sinh thái đồng bộ từ thể chế, hạ tầng đến nguồn nhân lực. Trong đó, vai trò kiến tạo của Chính phủ là then chốt. Các chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai, thuế đối với đầu tư vào hạ tầng logistics xanh cần được hoàn thiện và triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển các trung tâm logistics theo cụm, ứng dụng công nghệ số trong vận hành logistics, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu là những giải pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện và bền vững trong lĩnh vực này.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhận định, ngành logistics đang đứng trước “ngã rẽ lịch sử” giữa yêu cầu hội nhập và kỳ vọng nâng cao nội lực. Việc tái cấu trúc theo hướng xanh chính là cơ hội để ngành này thoát khỏi tình trạng phân mảnh, thiếu công nghệ và định vị lại vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn "Logistics xanh - Sức bật trong biến động, kết nối cùng FIATA World Congress 2025" là bước chuẩn bị cho sự kiện FIATA World Congress 2025 - Đại hội lớn nhất ngành logistics toàn cầu sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 tới. Với chủ đề “Logistics xanh - Thích ứng nhanh”, sự kiện sẽ thu hút hơn 1.200 đại biểu từ 150 quốc gia, là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định năng lực tổ chức, kết nối và từng bước trở thành trung tâm logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đang chịu áp lực rất lớn từ chi phí logistics và xu hướng xanh hóa. Có thời điểm, chi phí vận chuyển một container gỗ sang Hoa Kỳ lên tới 18.000 - 20.000 USD, vượt cả giá trị hàng hóa. Theo ông Hoài, logistics xanh, minh bạch xuất xứ và kiểm soát phát thải sẽ là chìa khóa giúp ngành gỗ giữ vững thị phần tại các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản. Ông kỳ vọng FIATA 2025 sẽ tạo cú huých để hình thành các mô hình logistics xanh liên ngành, thúc đẩy kinh tế xanh và thương mại bền vững.

Vũ Quang