Mô hình tổ chức nào cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam?
Hiện, chưa rõ mô hình tổ chức nào phù hợp nhất cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: đó là hội quần chúng đặc thù, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hay tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp? Chính việc chưa rõ ràng về địa vị pháp lý đã ảnh hưởng đến năng lực vận hành, hiệu quả đại diện và khả năng huy động nguồn vốn của hệ thống liên minh.
Địa vị pháp lý chưa rõ
Chiều 11/7, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có đóng góp nhiều thành tích đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hiện, cả nước có hơn 33.300 hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực; gần 121.000 tổ hợp tác và 133 liên hiệp hợp tác xã. Kinh tế tập thể đóng góp trực tiếp khoảng 5% GDP, gián tiếp hơn 20%; giúp thành viên hợp tác xã giảm chi phí từ 8 – 21% và tăng giá bán từ 10 – 12%.
“Đây không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà là giá trị cộng đồng, là minh chứng sống động cho vai trò đại diện và kết nối mà Liên minh hợp tác xã đảm nhiệm”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu.
Tuy nhiên, hiện nay, do chưa xác định rõ được tính chất, địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nên trong Luật Hợp tác xã đã xác định khác nhau về Liên minh Hợp tác xã.
Cụ thể, Luật Hợp tác xã năm 1997 xác định Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức phi chính phủ. Luật Hợp tác xã năm 2003 xác định Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức kinh tế xã hội. Luật Hợp tác xã năm 2012 và 2023 xác định Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Song, tất cả địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chưa được cụ thể hóa trong quản lý của Nhà nước và tổ chức hoạt động của Liên minh.

Trên thực tế, hiện nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động như mô hình tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp (hội quần chúng đặc thù). Liên minh ngoài là đại diện, hỗ trợ thành viên thực hiện nhiều chức năng công ích như tuyên truyền, tư vấn, đào tạo, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn, bảo hiểm… còn được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, xã hội đặc thù (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc miền núi…).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xác định mô hình tổ chức phù hợp nhất cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đó là hội quần chúng đặc thù, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hay là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, mang tính đại diện cộng đồng, kinh tế, chính trị trong khu vực kinh tế tập thể?
“Việc chưa rõ ràng về địa vị pháp lý đã ảnh hưởng đến năng lực vận hành, hiệu quả đại diện và khả năng huy động nguồn vốn của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Trong khi, thực tiễn đặt ra yêu cầu bức thiết: cần một tổ chức đủ tầm, đủ tính pháp lý, đủ sức đại diện cho khu vực kinh tế tập thể, thành phần kinh tế đang được Đảng xác định là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Khó phát huy vai trò nếu giữ nguyên mô hình tổ chức
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về lý luận và thực tiễn về vai trò, chức năng, địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đề xuất mô hình tổ chức phù hợp nhất trong bối cảnh mới, bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả vận hành, tính bền vững và khả năng huy động nguồn lực.
PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đảng và Nhà nước đã khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã giữ vai trò vững chắc trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đối với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, theo thời gian, mô hình tổ chức của liên minh dần được kiện toàn, hiện đang hoạt động theo mô hình 2 cấp (cấp Trung ương và cấp tỉnh).
Tuy vậy, mô hình tổ chức của liên minh còn bất cập, khá cồng kềnh, phân tán, thiếu gắn kết, hiệu quả hoạt động chưa cao, tỷ lệ hợp tác xã tham gia làm thành viên còn thấp…
Nhấn mạnh trong tình hình mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…, nếu giữ nguyên mô hình tổ chức nặng tính hành chính sẽ khó phát huy hết vai trò hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trong điều kiện mới, PGS.TS Dương Trung Ý đề xuất mô hình tổ chức hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong điều kiện mới với 3 bộ phận chức năng lớn, phối hợp chặt chẽ nhưng có sự phân định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ.
Thứ nhất, bộ máy đại diện - chính trị xã hội - vận động chính sách. Đây là bộ phận giữ vai trò trung tâm trong việc đại diện tiếng nói của các hợp tác xã, tổ hợp tác trước Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Thứ hai, bộ máy hỗ trợ - tư vấn - dịch vụ công ích. Đây là trụ cột cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu…
Thứ ba, bộ máy sản xuất - kinh doanh - đầu tư. Thông qua các doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn kinh doanh, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ đầu mối, vùng nguyên liệu, logistics…

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, trong những lần tiếp xúc cử tri, liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, “tôi đánh giá rất cao vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao”.
Bà Leo Thị Lịch đề xuất, với vai trò quan trọng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mô hình tổ chức của liên minh nên hoạt động theo mô hình tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp là phù hợp với giai đoạn mới.

Còn theo TS. Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần thiết kế mô hình hoạt động vận hành 3 trụ cột cơ chế theo hướng “đa nguồn lực, đa chức năng, đa động lực” cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn tới.
Một là, hoạt động chính trị - pháp luật (nguồn lực Nhà nước). Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ quyền lợi hợp tác xã, tham mưu chính sách, phản biện xã hội. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước, cấp theo nhiệm vụ cụ thể (không cấp tràn lan). Các hoạt động này cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, có đánh giá đầu ra.
Hai là, cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ phát triển (tự chủ, thu dịch vụ). Hệ thống liên minh tổ chức cung cấp các dịch vụ có thu như: đào tạo, tập huấn; tư vấn pháp lý, quản trị; xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, tín dụng nội bộ. Áp dụng cơ chế tự hạch toán thu - chi, có thể thành lập các trung tâm, đơn vị trực thuộc hoạt động chuyên sâu.
Ba là, trụ cột liên kết hợp tác xã, kết nối mạng lưới xã hội (liên quan nguồn lực cộng đồng, xã hội hóa). Hệ thống liên minh đảm nhiệm nhiệm vụ thúc đẩy liên kết giữa các hợp tác xã, xây dựng liên hiệp hợp tác xã ngành hàng; tổ chức hội nghị, diễn đàn chuyên đề; áp dụng cơ chế vận động tài trợ xã hội hóa, hợp tác quốc tế.