Thế giới 24h

Singapore tăng tốc phát triển giao thông công cộng xanh, thuận tiện và toàn diện

Ngọc Linh 11/07/2025 17:29

Với mục tiêu 8/10 hộ dân tiếp cận được tàu điện trong vòng 10 phút vào năm 2030, Singapore đang mở rộng nhanh mạng lưới MRT và xe buýt, đồng thời đầu tư mạnh vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, kết nối xanh và đào tạo nguồn nhân lực giao thông thế hệ mới.

Lối ra ga tàu điện ngầm One-North. Nguồn ảnh: Meinhardt

Hướng đến thành phố 10 phút

Singapore đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố 10 phút”, nơi 80% cư dân có thể tiếp cận phương tiện giao thông công cộng chất lượng cao trong vòng chưa đầy 10 phút đi bộ. Năm 2025 đánh dấu giai đoạn tăng tốc của chiến lược này, với hàng loạt dự án đường sắt được hoàn thành hoặc đẩy mạnh xây dựng.

Mở đầu là ga Hume trên tuyến Downtown Line (DTL), chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 2/2025, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ phía Bắc vào trung tâm thành phố. Không lâu sau, phần mở rộng từ Expo đến Sungei Bedok (DTL3e) với hai ga mới dự kiến hoàn tất trong năm 2026. Song song đó, đoạn cuối của tuyến Circle Line (CCL) là Circle Line 6 đang được hoàn thiện, sẽ khép kín tuyến vòng từ HarbourFront đến Marina Bay trong năm tới.

Tuyến Jurong Region Line (JRL) dài 24 km, phục vụ khu vực phía Tây năng động, dự kiến hoạt động theo từng giai đoạn từ 2027 đến 2029. Cùng lúc, tuyến Cross Island Line (CRL - tuyến xuyên đảo), một trong những dự án đường sắt lớn nhất quốc gia, sẽ khởi công giai đoạn hai trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào 2032.

Đặc biệt, tuyến RTS Link xuyên biên giới giữa Singapore và Johor Bahru (Malaysia) đang được đẩy nhanh tiến độ, kỳ vọng khai trương năm 2026, giúp giảm tải đáng kể cho các trục giao thông hiện tại.

Không dừng ở đó, Chính phủ Singapore còn lên kế hoạch dài hạn phát triển hai tuyến đường sắt hoàn toàn mới là Seletar Line và Tengah Line nhằm phục vụ các khu dân cư mới đến năm 2040, trong đó Seletar Line sẽ là tuyến quan trọng kết nối khu Đông Bắc với sân bay Seletar.

Song hành với mở rộng hạ tầng, Singapore cũng đầu tư hơn 1 tỷ SGD trong 5 năm tới để nâng cao độ tin cậy vận hành, nhờ tăng cường bảo trì theo trạng thái, thay thế chủ động thiết bị và sử dụng công nghệ điều khiển tiên tiến. Nước này đặt mục tiêu tăng độ tin cậy của tàu điện đến mức trung bình cứ 1 triệu km chạy mới có một sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, một trong những chuẩn cao nhất thế giới hiện nay. ,

Cụ thể, SMRT- doanh nghiệp vận hành giao thông công cộng lớn nhất đảo quốc sư tử - đã triển khai hệ thống tín hiệu Green CBTC mới do Hitachi phát triển, giúp tiết kiệm đến 8% năng lượng vận hành tàu, tương đương hơn 15 triệu kWh mỗi năm. Hệ thống này sẽ được áp dụng trên nhiều tuyến, giúp giảm phát thải CO₂ đáng kể và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon của ngành giao thông đô thị.

Tái định nghĩa mạng lưới xe buýt

Song song với phát triển đường sắt, Singapore cũng đầu tư mạnh cho hệ thống xe buýt, vốn là phương tiện đóng vai trò “xương sống tiếp cận” tại các khu dân cư mới.

Chương trình Tăng cường kết nối xe buýt (BCEP), với ngân sách lên tới 900 triệu SGD trong 8 năm, đặt mục tiêu tăng khả năng tiếp cận các khu chưa có MRT bằng cách: Mở thêm các tuyến xe buýt đến khu dân cư mới như Tampines North, Yishun, Tengah và Punggol. Tiếp đó, BCEF tăng tần suất xe tại các tuyến đông hành khách, đặc biệt vào giờ cao điểm. Và đặc biệt là Singapore sẽ triển khai các tuyến express feeder, xe buýt nhanh ít điểm dừng, đưa người dân đến ga tàu gần nhất một cách nhanh chóng.

Kể từ năm 2024, BCEP đã được thử nghiệm tại một số khu vực như Tampines và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Bộ Giao thông Singapore cam kết sẽ điều chỉnh liên tục dựa trên nhu cầu thực tế và phản hồi từ cộng đồng.

Để bảo đảm chất lượng vận hành, Singapore đang tích cực tuyển dụng và đào tạo nhân sự trong ngành vận tải công cộng. Hơn 3.000 việc làm mới sẽ được tạo ra trong vài năm tới, trong đó khoảng 2.000 vị trí dành cho kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia dữ liệu và an ninh mạng, còn lại là tài xế và nhân viên kỹ thuật vận hành xe buýt.

Các chính sách như hỗ trợ chuyển nghề, trợ cấp đào tạo và thưởng tuyển dụng đang được triển khai rộng rãi để thu hút lao động trẻ và chuẩn bị nhân lực cho mạng lưới xe điện hóa tương lai.

Hướng đến giao thông xanh toàn diện

Không chỉ chú trọng mở rộng hạ tầng, Singapore còn đặt mục tiêu giảm phát thải trong vận hành và tăng cường yếu tố bền vững trong quy hoạch đô thị.

Việc sử dụng trái phiếu xanh trị giá hơn 2 tỷ SGD đã góp phần tài trợ cho các dự án trọng điểm như JRL, CRL và chương trình điện khí hóa xe buýt. Theo ước tính, các tuyến đường sắt mới có thể giúp giảm tới 122.000 tấn khí CO₂ mỗi năm, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong chiến lược giảm phát thải và thích ứng khí hậu của Singapore.

Về xe buýt, Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi ít nhất 50% đội xe sang loại chạy điện hoàn toàn. Các bến xe buýt hiện đại như Ulu Pandan hoặc Seletar Bus Depot đang được cải tạo và xây mới với trạm sạc điện quy mô lớn, đồng thời tích hợp mái che năng lượng mặt trời và hệ thống lọc nước mưa.

Ngoài ra, sáng kiến tái phát triển các khu vực dưới đường ray thành hành lang xanh cộng đồng (Rail Corridor) cũng đang được đẩy mạnh, với điểm nhấn là không gian công cộng tại Queensway và Stagmont Ring. Các khu vực này sẽ có chức năng kép, vừa là công viên sinh thái, vừa là không gian cộng đồng kết nối người dân.

Hệ thống đường dành riêng cho người đi bộ và xe đạp cũng được mở rộng mạnh mẽ tại các khu đô thị mới, như một phần trong Kế hoạch tổng thể giao thông đường bộ đến năm 2040, giúp nâng cao tính kết nối xanh và giảm áp lực lên đường bộ.

Với chiến lược ưu tiên phát triển giao thông công cộng thay vì thúc đẩy sở hữu xe cá nhân, Singapore đang tiến gần tới mục tiêu 75% người dân sử dụng phương tiện công cộng trong giờ cao điểm, một trong những tỷ lệ cao nhất châu Á, phản ánh hiệu quả của chính sách quy hoạch đô thị bền vững.

Ngọc Linh