Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Giải quyết dứt điểm đất nông - lâm trường

Thu Hường 11/07/2025 17:15

Tại Hội nghị TXCT sau Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk sáng 11/7, nhiều cử tri ý kiến, kiến nghị xoay quanh vấn đề đất đai, nhất là tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại phường Buôn Ma Thuột và phường Tân An, đồng thời kết nối trực tuyến tới 14 điểm cầu tại các xã, phường khu vực phía Tây của tỉnh.

img_5527.jpeg
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV – kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật, 34 nghị quyết văn bản quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Hùng (xã Pơng Drang) kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng có phương án cụ thể thu hồi diện tích đất của các nông, lâm trường không còn sử dụng đúng mục đích, đặc biệt là khu vực xã Buôn Hồ. Theo phản ánh, tình trạng đất do các nông lâm trường quản lý nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế lâu dài của bà con nông dân.

z6792662049809_2e04c40757044e3c8c45979efc01a9aa.jpg
Quang cảnh cuộc tiếp xúc

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, đất đai tại nhiều khu vực đang bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, nhưng chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài và tạo ra những điểm “nóng” tiềm ẩn về an ninh trật tự ở cơ sở.

img_5528.jpeg
Cử tri phường Tân An kiến nghị

Tại các điểm cầu Quảng Phú, Krông Na và một số xã vùng sâu, vùng xa, cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm chậm quá trình xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại chỗ.

Tại điểm cầu huyện Krông Pắc, cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng chưa hoàn tất việc cấp hộ khẩu cho các hộ dân Làng Mông di cư từ năm 2008 đến nay. Việc chưa được đăng ký hộ khẩu chính thức khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, bảo hiểm và các chế độ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cử tri cho rằng đây là một tồn tại kéo dài, cần sớm được tháo gỡ một cách căn cơ, đồng bộ.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và học tập, việc chưa có hộ khẩu cũng dẫn đến hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai – trong đó có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ nhà ở và tiếp cận các chương trình phát triển sinh kế. Cử tri kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng để sớm hoàn thiện hồ sơ hộ tịch, từ đó bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư hạ tầng vùng dân tộc thiểu số

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng sản xuất tại địa phương vẫn thiếu tính bền vững do chưa ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Cử tri mong muốn Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và năng lực hợp tác của nông dân thông qua các tổ chức sản xuất.

Cử tri xã Pơng Drang và một số xã vùng sâu cũng phản ánh tình trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu đồng bộ, xuống cấp. Cử tri đề nghị các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai.

Bên cạnh đó, một số cử tri kiến nghị sớm xây dựng lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ người dân tộc thiểu số đủ điều kiện, trình độ trong bộ máy chính quyền cơ sở sau khi thực hiện sáp nhập chính quyền hai cấp. Việc bảo đảm hài hòa yếu tố đại diện dân tộc trong công tác cán bộ sẽ góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào. Ngoài ra, các vấn đề như thiếu giáo viên ở một số cấp học, chính sách bảo hiểm cho người cao tuổi, khó khăn trong thu thuế tại cơ sở... cũng được đề cập.

img_5526.jpeg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trương Công Thái trả lời ý kiến vướng mắc của cử tri

Các kiến nghị của cử tri đã được đại diện lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Tài chính trực tiếp trả lời, giải đáp. Tại hội n nghị, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của người dân trong giám sát thực hiện chính sách tại địa phương, nhất là đối với các chương trình mục tiêu, dự án phát triển hạ tầng và chính sách dân tộc.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cấp, các ngành sớm tiếp thu, nghiên cứu, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn đọng thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền cao hơn, đoàn sẽ ghi nhận đầy đủ và cam kết sẽ chuyển tải tới Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.

Thu Hường