Kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc cho dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
Ngày 11/7, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu đã đến kiểm tra, nắm tình hình dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án bị đình trệ trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ (quy mô 500 giường) sử dụng nguồn vốn vay ODA Hungary, được khởi công vào tháng 10/2017. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là hơn 1.300 tỷ đồng, vốn đối ứng của TP. Cần Thơ hơn 334 tỷ đồng. Dự án do Sở Y tế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Hành
Mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị y tế. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát và điều trị ung bướu của nhân dân TP. Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời từng bước trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu ung thư qua nâng cấp nguồn nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng.
Qua 10 tháng đầu tiên xây dựng thuận lợi, dự án xảy ra một số vướng mắc. Dù được UBND TP. Cần Thơ, chủ đầu tư và các nhà thầu tích cực tìm cách tháo gỡ khó khăn nhưng dự án tiếp tục xảy ra những vướng mắc và tạm dừng từ năm 2022 đến nay.

Báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố, ông Phạm Quang Dũng - đại diện nhà thầu cho biết: Hiện nay một số hạng mục của dự án đã được thực hiện từ năm 2022, nhưng nhà thầu vẫn còn 100 tỷ đồng chưa được thanh toán, trong khi doanh nghiệp phải trả các chi phí hoạt động và lãi ngân hàng. Theo ông Dũng, những thiệt hại của nhà thầu lúc này chưa thể tính toán hết. Tuy nhiên, nếu được rót vốn kịp thời và tháo gỡ hết các vướng mắc về thủ tục, nhà thầu cam kết sẽ thực hiện với tiến độ nhanh nhất.
Phát biểu tại buổi khảo sát, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu cho biết, trong bối cảnh cả vùng đồng bằng sông Cửu Long không có bệnh viện lớn về ung bướu, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ quy mô 500 giường để chăm sóc sức khỏe người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên dự án đã kết thúc hiệp định vay vốn với Hungary từ năm 2022, muốn triển khai tiếp cần xin chủ trương của Quốc hội, Chính phủ để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư.
Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, thời gian qua lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố rất quyết liệt, nhiều lần khảo sát và tổ chức họp tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng quy định, cơ chế. Đảng ủy, UBND Thành phố đã xin ý kiến Thành ủy Cần Thơ có văn bản kiến nghị Chính phủ kết thúc hiệp định vay với Hungary để bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng nguồn ngân sách khá lớn (vốn Trung ương hơn 1.300 tỷ đồng, chưa kể ngân sách đối ứng của địa phương). Hiện nay, UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và đang chờ Chính phủ cho chủ trương sớm tháo gỡ, quyết tâm thực hiện dự án bởi bệnh viện không chỉ là niềm mong mỏi của người dân TP. Cần Thơ, mà còn là của hơn 17 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đang rơi vào tình trạng xuống cấp và quá tải trầm trọng nhưng mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 600-800 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, bệnh nhân nội trú cũng khoảng 600 người.

Ảnh: Nguyễn Hành
Cơ sở 1 của Bệnh viện sử dụng một phần Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũ, cơ sở 2 cũng mới được giao lại từ Bệnh viện Tim mạch cũ của thành phố.
Theo Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ Võ Văn Kha, để tạm thời giải quyết tình trạng quá tải, tới đây, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sẽ tiếp nhận thêm bệnh viện huyện Phong Điền (cũ) cách trung tâm thành phố hơn 15km làm cơ sở 3 để giảm tải, tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.