Quốc phòng - An ninh

Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2025 - 2030

Hương Sen 11/07/2025 16:49

Sáng 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo; Nghị định số 07/2025/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2025/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì Hội nghị.

chien.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì Hội nghị. Ảnh: DTH

Tham gia sâu, rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng đã báo cáo kết quả xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB của LHQ được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2025 với số phiếu tuyệt đối (445/445) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Thành công này có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, sự đồng thuận nhất trí tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội đối với lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam.

"Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương LHQ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ một cách bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định của pháp luật, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...", Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.

ch.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: DTH

Luật gồm 5 chương, 27 điều, trong đó bổ sung quy định nhiều nội dung mới như bổ sung đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia hoạt động GGHB LHQ; bổ sung về lĩnh vực tham gia gồm hoạch định chính sách, y tế, pháp luật và các lĩnh vực dân sự khác; quy định thẩm quyền gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp cho người đứng đầu các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; bổ sung chế độ, chính sách khuyến khích và ưu tiên nữ giới tham gia; bổ sung nội dung hợp tác quốc tế về GGHB LHQ… để thu hút nguồn lực và nâng cao năng lực cho lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Thông tin về Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng GGHB LHQ của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo (Đề án số 3348/ĐA-GGHB ngày 12/6/2025), Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết: Từ tháng 5/2014 đến nay, Việt Nam triển khai gần 1.100 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các phái bộ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ; các lực lượng Việt Nam dã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật và thích ứng nhanh với môi trường làm việc đa quốc tế, khí hậu khắc nghiệt và rủi ro an ninh cao.

Chính vì vậy, LHQ mong muốn Việt Nam tiếp tục cử nhiều lực lượng hơn nữa, bao gồm cả loại hình đơn vị và loại hình cá nhân. Đề án đã xác định mục tiêu, lộ trình thời gian và các biện pháp để các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị, huấn luyện, đào tạo, triển khai lực lượng trong thời gian tới với các loại hình đơn vị mới như kiểm soát quân sự, thông tin liên lạc, bảo vệ căn cứ… và loại hình cá nhân ở các vị trí cấp cao tại phái bộ và làm việc tại cơ quan hoạch định chính sách chiến lược tại Trụ sở LHQ.

Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: DTH
Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: DTH

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam triển khai được từ 1 - 2 đơn vị mới tại các phái bộ phù hợp; ứng tuyển 1 vị trí cá nhân vào vị trí cấp cao; từ năm 2030 trở đi, có từ 3 đến 7 đơn vị ở cấp độ 2, 3 trên Hệ thống đánh giá năng lực sẵn sàng triển khai của LHQ để triển khai khi có đề nghị của LHQ và ứng tuyển thành công từ 2 vị trí cá nhân cấp cao trở lên; tham gia sâu, rộng hơn vào hoạt động GGHB LHQ, trở thành một trong những quốc gia trong khu vực và trên thế giới có đóng góp lớn vào hoạt động này.

Tiếp tục xem xét, điều chỉnh chế độ, chính sách

Phổ biến tại Hội nghị, Đại tá Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục Chính sách - Xã hội, Tổng cục Chính trị cho rằng, Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với tổ chức Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đã quy định nhiều chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ GGHB LHQ trong tình hình mới như bổ sung khoản hỗ trợ hằng tháng đối với Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ và đối với nữ theo hình thức cá nhân; tăng mức hỗ trợ hằng tháng đối với lực lượng theo hình thức cá nhân, các chức danh và nữ trong đội hình đơn vị… kịp thời động viên, khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực, nhất là đối với nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Trong thời gian tới, theo quy định chi tiết của Luật Tham gia Gìn giữ hoà bình LHQ, chế độ, chính sách tiếp tục được xem xét, điều chỉnh bằng Nghị định mới của Chính phủ, trong đó có lực lượng dân sự và cụ thể hơn, ưu đãi hơn đối với nữ giới…

Mở rộng địa bàn, quy mô, hình thức, lĩnh vực, lực lượng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến biểu dương Cục GGHB Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong phát triển lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ; xây dựng, hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 16%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và sự mong đợi của LHQ.

gg2.jpg
Nữ quân nhân Việt Nam giao lưu với người dân Nam Sudan cuối tháng 6/2025. Nguồn: Cục GGHBVN

Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam thời gian qua tiếp tục khẳng định năng lực của các sĩ quan, quân nhân Việt Nam, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, hoạt động GGHB LHQ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và phát triển bền vững trên thế giới; gắn với quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Việt Nam chủ trương tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động GGHB LHQ với việc mở rộng địa bàn, quy mô, hình thức, lĩnh vực, lực lượng.

gg1.jpg
Uy tín của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ngày càng nâng cao. Nguồn: Cục GGHBVN

Dịp này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Cục GGHB Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; duy trì hiệu quả lực lượng đang triển khai hiện nay; xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tham gia lực lượng GGHB của LHQ.

Bên cạnh đó, quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ; chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất về tham gia hoạt động GGHB LHQ, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng GGHB LHQ của BQP giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo đúng nội dung, lộ trình thời gian đề ra trong Đề án.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động GGHB LHQ trong môi trường đa phương quốc tế, nhất là tham gia ứng tuyển thành công các vị trí chỉ huy cấp cao tại phái bộ và tại Trụ sở LHQ; góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam ở khu vực và quốc tế.

Hương Sen