Sức khỏe

Hà Nội đề nghị đình chỉ kinh doanh với cơ sở vi phạm nghiêm trọng về An toàn thực phẩm

Chi Nguyễn 11/07/2025 08:10

Đây là nội dung được kiến nghị trong phiên thảo luận tại tổ của Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025.

Các đại biểu thông tin hiện nay thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường rất nhiều.

Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trước cổng trường học rất đáng lo ngại do học sinh ăn uống vô tư, trong khi các món bán rong như thịt nướng, xúc xích giá rẻ khó đảm bảo vệ sinh.

Nếu không kiểm soát tốt, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có khoảng 170.000 - 180.000 ca mắc ung thư, là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao đáng báo động.

Đồng tình với nhận định này, đại biểu Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn số liệu, Hà Nội hiện có trên 80.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong khi lực lượng quản lý chuyên trách về ATTP chỉ có khoảng 250 người, chiếm khoảng 2,4% trong tổng số hơn 10.000 cán bộ tham gia quản lý (đa phần là kiêm nhiệm).

Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Thời gian qua công tác quản lý cũng đã được siết chặt, một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc ngừng sản xuất.

Thời gian qua thành phố Hà Nội đã thành lập gần 1 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp để kiểm tra ATTP trên toàn thành phố.
Số tiền xử phạt trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay là hơn 52 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, số tiền xử phạt khoảng 10 tỷ đồng.
Khởi tố 11 vụ án với 21 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; chuyển 8 vụ việc đến cơ quan công an để xác minh, điều tra, xử lý.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có thương hiệu vi phạm ATTP đã bị tạm đình chỉ để khắc phục.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, điều đáng lo ngại là tình trạng hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong các nhóm thực phẩm chức năng, sữa, đồ uống và bếp ăn tập thể.

Để xử lý căn cơ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra một loạt đề xuất, trong đó nhấn mạnh cần nâng gấp đôi mức xử phạt so với hiện hành để có tính răn đe hơn.

Đặc biệt có thể nghiên cứu gắn vi phạm với mã định danh cá nhân, tiến tới đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn với cá nhân, tổ chức tái phạm nghiêm trọng.

Tránh tình trạng cơ sở vi phạm lách luật, sau khi bị tước giấy phép lại chuyển địa điểm khác để tiếp tục vi phạm.

Liên quan đến công tác vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, ATTP là vấn đề rộng và khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc.
Với quy mô dân số của thành phố hơn 10 triệu dân, đây là một thách thức trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Thời gian tới UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu về mô hình quản lý liên quan đến vấn đề vệ sinh thực phẩm.

Chi Nguyễn