Đời sống

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ở Đảng bộ Agribank Bài 1: Nguyên tắc xuyên suốt

Đức Kiên 11/07/2025 06:06

Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chỉ thị số 27) đã trở thành yếu tố không thể tách rời trong xây dựng Đảng. Với Đảng ủy Agribank, thực hiện tốt Chỉ thị số 27 chính là nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và ngân sách nhà nước; đồng thời là bước cụ thể hóa các chỉ đạo chiến lược trong hệ thống tài chính ngân hàng.

Nhiệm vụ sống còn

Có thể nói, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Đảng và Bác Hồ kính yêu quan tâm từ sớm và thường xuyên. Nghị quyết Đại hội XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) của Đảng cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền kinh tế hiệu quả, hiện đại, phát triển bền vững, trong đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc xuyên suốt trong điều hành và quản lý.

Trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2013) cũng quy định rõ trách nhiệm, nội dung, cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Agribank không chỉ là nhiệm vụ nội bộ mà còn là sự cụ thể hóa các chỉ đạo chiến lược trong hệ thống tài chính ngân hàng.

z6766352555008_11f84c943561976861ee1db23fdc4a8f.jpg
Toàn cảnh phiên họp của Đảng ủy Agribank về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW. Nguồn: Agribank

Trên thực tế, Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô, mạng lưới rộng khắp, nhân sự đông, kinh phí vận hành chi thường xuyên lớn; điều này là một lợi thế về thị phần và độ bao phủ nhưng cũng đặt ra áp lực lớn về quản trị chi phí, giám sát tài chính và kiểm soát lãng phí.

Đặc biệt, hiện nay Agribank đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển ngân hàng số và hiện đại hóa mô hình hoạt động theo chuẩn quốc tế thì yêu cầu kiểm soát hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải, trùng lặp, lãng phí trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi khoản chi không hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh mà còn làm chậm tiến trình đổi mới toàn diện của hệ thống.

Cùng với đó, để bảo đảm nguồn lực tài chính đủ mạnh nhằm thực hiện sứ mệnh phục vụ "Tam nông", Agribank buộc phải tối ưu hóa chi phí nội tại, nâng cao hiệu suất từng đồng vốn bỏ ra, từ đó có điều kiện giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tốt hơn cho hàng triệu hộ sản xuất, doanh nghiệp và người dân trên cả nước.

Yêu cầu thường xuyên, liên tục

Không chỉ coi thực hành, tiết kiệm chống lãng phí là một nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động, Đảng ủy Agribank còn đặt ra yêu cầu với mỗi cá nhân, tập thể trong hệ thống là phải thực hiện nguyên tắc đó một cách thường xuyên, liên tục.

Đảng ủy Agribank xác định, năm 2025 - năm bản lề mở đầu nhiệm kỳ 2025 - 2030; bởi vậy, việc xây dựng và thực hiện Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về cả lý luận và thực tiễn. Nhất là trong bối cảnh Agribank vừa đồng thời đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh doanh, chuyển đổi số, tuân thủ pháp luật vừa thực hiện sứ mệnh chính trị là ngân hàng chủ lực phục vụ "Tam nông".

z6766352690044_13a0c962dd2f4a7471323b56e0cf0648.jpg
Phát động chương trình hành động đột phá phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Agribank. Nguồn: Agribank

Ngay từ đầu năm, Agribank đã bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 20/1/2025 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 6/1/2025 của Hội đồng thành viên Agribank để xây dựng Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chương trình).

Chương trình bảo đảm tính toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; đề cao vai trò người đứng đầu trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Qua đó, tạo chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao hiệu lực quản trị, sử dụng hiệu quả nguồn lực, hướng đến mục tiêu xây dựng Agribank hiện đại, vì khách hàng, vì cộng đồng.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn 2021 - 2024, mục tiêu tổng thể của Chương trình hành động năm 2025 là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tiết giảm chi phí hợp lý và toàn diện, tăng hiệu suất lao động và tạo dư địa tài chính cho các chương trình chiến lược, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất tín dụng nông nghiệp, đầu tư chuyển đổi số, phát triển sản phẩm dịch vụ số và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Đặc biệt, Chương trình được triển khai gắn với các nội dung thi đua thực chất, gắn với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đơn vị, lồng ghép vào tiêu chí đánh giá chi bộ, đảng viên và xếp loại cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống. Hơn nữa, với các biện pháp tiết kiệm chi phí trực tiếp, việc phòng ngừa các hành vi gây thất thoát, sử dụng sai mục đích tài sản, ngân sách từ bên trong cũng được xác định là một thành tố trọng yếu trong công tác chống lãng phí tại Agribank.

Trên cơ sở quán triệt quan điểm Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đội ngũ lãnh đạo các cấp trong Agribank đã đặc biệt chú trọng tới kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa sai phạm nội bộ.

Chẳng hạn, các cán bộ quản lý, cán bộ tài chính được luân chuyển định kỳ nhằm tránh tình trạng "sai phạm cố kết" kéo dài tại một vị trí; việc kê khai tài sản cá nhân, đặc biệt với những vị trí nhạy cảm, được thực hiện nghiêm túc, gắn với kiểm tra chéo và kiểm soát thu nhập minh bạch, từ đó góp phần giảm nguy cơ sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân; công tác thanh tra, kiểm toán nội bộ được tăng cường với việc ứng dụng phần mềm giám sát thực hiện kiến nghị kiểm toán trong toàn hệ thống...

Các công cụ số hóa này giúp cảnh báo sớm các điểm rủi ro, thiếu sót trong quy trình điều hành - tài chính, giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, thất thoát hoặc lãng phí nguồn lực, góp phần xây dựng một hệ thống quản trị công khai, minh bạch và liêm chính.

Đức Kiên