Kinh tế

Hộ kinh doanh cần được hỗ trợ thực chất

Vũ Quang Khánh 10/07/2025 19:13

Việc triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là một bước tiến lớn trong quá trình minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và hiện đại hóa quản lý thuế. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào thực tiễn một cách bền vững, cần lắng nghe tiếng nói từ chính các hộ kinh doanh – đối tượng vừa năng động nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất.

Đó là chia sẻ các đại biểu tại hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế do VCCI tổ chức chiều 1/7.

Chỉ 11% hộ kinh doanh hiểu rõ nghĩa vụ của mình

Theo kết quả khảo sát do Ban Pháp chế – VCCI thực hiện từ ngày 7 đến 30/6/2025 với 1.368 hộ kinh doanh trên toàn quốc, có tới 94% số hộ đã biết đến Nghị định 70. Tuy nhiên, chỉ 11% hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 68% chỉ hiểu sơ bộ và 21% hoàn toàn không hiểu. Hơn 50% hộ cho biết chưa từng nhận được hỗ trợ rõ ràng từ cơ quan thuế địa phương. Tỷ lệ hộ nhận được hướng dẫn "rất rõ ràng" chỉ đạt 14%, trong khi 60% hộ kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống chưa từng được liên hệ, hỗ trợ. 57% lo ngại chi phí đầu tư ban đầu, 54% lo chi phí vận hành hàng tháng, 51% lo áp lực cạnh tranh, 49% lo thời gian công sức quản lý hóa đơn, chứng từ. 63% hộ dự kiến sẽ phải giảm quy mô, 21% có thể tạm ngừng hoạt động và 3% tính đến việc đóng cửa. VCCI cho rằng, các yếu tố như thiếu hiểu biết công nghệ, khó khăn thủ tục, gánh nặng tài chính và thiếu hỗ trợ là các rào cản lớn với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Bà Nguyễn Thị Khánh Linh, đại diện hộ kinh doanh phụ tùng ô tô tại Hà Nội cho biết, bản thân rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ nhưng khi áp dụng chuyển từ thuế khoán sang kê khai. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc khiến hộ lúng túng với hàng tồn kho, công nợ cũ, dữ liệu đầu vào, đầu ra không đồng bộ. Kế toán của công ty thì luôn lo lắng vì mức phạt cao, dẫn đến tâm lý sợ sai hơn là chủ động. Do đó, bà Linh kiến nghị cần giãn tiến độ áp dụng, trước mắt chỉ yêu cầu kê khai sau đó mới áp dụng mức thuế, đồng thời cần có chính sách miễn thuế cho hộ kê khai tương tự doanh nghiệp mới thành lập, tránh việc hộ kinh doanh yếu thế mà vẫn bị ràng buộc nhiều nghĩa vụ hơn.

Còn theo đại diện Hiệp hội ngành hàng thuốc lá cho biết có nhiều hộ đại lý cấp 2 chỉ làm trung chuyển hàng hóa, doanh thu vượt 10 tỷ đồng mỗi năm là bình thường. Nhưng họ không thực sự vận hành như một doanh nghiệp mà chỉ phân phối hàng hóa đơn giản cho các đại lý bên dưới. Do đó, việc chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp là không phù hợp và khiến các hộ lo lắng, mất phương hướng. Họ mong muốn cơ chế rõ ràng, sát với thực tiễn ngành và không tạo thêm áp lực hành chính.

Mang đến một góc nhìn từ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Kiều Thị Hậu – Giám đốc Công ty Đại Lâm Mộc cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp phần lớn đến từ các hộ kinh doanh, người dân miền núi – những người trồng rừng, khai thác gỗ tự nhiên. Việc thu mua gỗ đầu vào không đơn giản, và để có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, doanh nghiệp phải hỗ trợ hộ kinh doanh thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế. Tuy nhiên, bản thân cán bộ thuế địa phương cũng không hướng dẫn rõ ràng để hỗ trợ người dân. Trong khi đó, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm sản rất khó để đáp ứng các yêu cầu chứng từ như doanh nghiệp. Việc yêu cầu hóa đơn, nguồn gốc đầu vào từ người dân là điều bất khả thi nếu không có chính sách riêng phù hợp. Do đó, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản và dễ áp dụng cho nhóm hộ kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp vốn có đặc thù rất khác với các ngành thương mại, dịch vụ - bà Hâị kiến nghị.

Lắng nghe tâm tư từ thực tiễn để chính sách đi vào cuộc sống

Để chính sách này đi vào thực tiễn một cách bền vững, VCCI kiến nghị thời gian tới cần tăng cường hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu qua sổ tay, infographic, video và tập huấn thực tế. Thiết lập đường dây nóng thực sự hoạt động để hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, cần thống nhất sử dụng một số phần mềm quản lý đạt chuẩn, tránh tình trạng phân tán và tốn kém. Nghiên cứu áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế trong 6–12 tháng đầu để hỗ trợ giai đoạn chuyển đổi.

Ngoài ra, theo VCCI không truy thu hay xử phạt trong thời gian chuyển đổi, đặc biệt với các sai sót không cố ý; miễn yêu cầu căn cước công dân trong hóa đơn cho các giao dịch nhỏ lẻ, thường xuyên như tại quán ăn, cửa hàng tạp hóa. Cùng với đó, tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong phổ biến chính sách và hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chia sẻ tại hội thảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng việc thực hiện hóa đơn điện tử là một bước tiến cần thiết để xây dựng minh bạch, nhưng để triển khai bền vững thì phải hiểu tâm tư nguyện vọng của hộ kinh doanh, kết hợp với hỗ trợ, giáo dục, truyền thông tuyệt đối tránh dùng ngôn ngữ đao to búa lớn khiến người dân hiểu sai chính sách. Nhấn mạnh mục tiêu dài hạn của chính sách là doanh thu bền vững cho Nhà nước, ông Khánh cho rằng, cần tạo sự an tâm để người dân tự nguyện nộp thuế thay vì cảm thấy bị áp lực hành chính. Bởi nếu quá cứng nhắc, người dân sẽ tìm cách lách, thậm chí quay lưng.

Đồng tình với các kiến nghị của VCCI, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần đơn giản hóa tối đa quá trình nộp thuế, bao gồm cả hỗ trợ tài chính. Nhà nước nên cân nhắc hỗ trợ chi phí ban đầu khi lắp máy tính kết nối cơ quan thuế vì đó là khoản đầu tư cho nguồn thu tương lai. Đặc biệt, giai đoạn chuyển đổi cần có lộ trình tối thiểu 2–3 năm để hộ kinh doanh làm quen, không nên truy thu hay xử phạt trong thời gian này, kể cả có sai sót. Trong 2–3 năm đầu, cơ quan thuế chỉ nên hướng dẫn và cho phép làm lại, từ đó vừa giúp hộ kinh doanh thích nghi, vừa giúp chính sách bộc lộ những điểm bất cập cần điều chỉnh. Đồng thời, cần rà soát chính sách thuế để đảm bảo tính hợp lý và khuyến khích tuân thủ, ví dụ như bảo đảm hộ có doanh thu dưới 2 tỷ đồng được hưởng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp, tránh tạo động cơ che giấu thu nhập. Nếu quy định rõ ràng, hợp lý và dễ thực hiện, người dân sẽ tự giác nộp thuế thay vì trốn tránh – ông Khánh nêu rõ.

Vũ Quang Khánh