Hành trình từ "mù code" đến học bổng toàn phần Women in STEM của nữ sinh khối xã hội
Từ một cô gái theo khối xã hội, không biết lập trình, đến chủ nhân của học bổng toàn phần British Council for Women in STEM 2025 – hành trình của Vũ Phương Thùy, chuyên ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Khoa Điện - Điện tử, Trường Kỹ thuật, Đại học Phenikaa.
Hành trình của Vũ Phương Thùy không bắt đầu bằng sự chắc chắn, cũng chẳng trải đầy hoa hồng, mà bắt đầu bằng sự tò mò, nỗ lực bền bỉ và lòng tin vào lựa chọn của chính mình, Thùy đã mở ra cánh cửa vào thế giới công nghệ – nơi tưởng chừng không dành cho mình.

Một cú rẽ tưởng sai, nhưng hóa ra... lại đúng
Vũ Phương Thùy từng không hình dung rằng một ngày nào đó, mình sẽ gắn bó với trí tuệ nhân tạo, hay trở thành đồng tác giả của các công bố khoa học quốc tế. Lại càng không ngờ, chính mình sẽ nhận được một trong những học bổng danh giá nhất dành cho nữ giới theo đuổi STEM – British Council for Women in STEM năm 2025.
Tốt nghiệp THPT với định hướng ban xã hội, Thùy từng mơ ước trở thành nhà thiết kế đồ họa. Không học lập trình, không có thành tích nổi bật về Toán – Thùy chọn ngành Công nghệ thông tin phần vì tò mò, phần vì… hiểu nhầm. “Mình tưởng học công nghệ thông tin sẽ được học nhiều về thiết kế sáng tạo. Nhưng không phải. Khi vào học mới biết đây là một lĩnh vực thiên về kỹ thuật, về dữ liệu, về lập trình.”

Rất nhiều người trong trường hợp đó sẽ dừng lại. Nhưng Thùy thì khác. “Mình không giỏi, nhưng mình biết mình đang muốn gì.”
Câu nói ấy không phải lời khiêm tốn, mà là sự thật. Không nền tảng lập trình, không kỹ năng toán cao cấp, Thùy bắt đầu như một “người ngoại đạo” đúng nghĩa trong thế giới của công nghệ. Nhưng cô không bỏ cuộc. Bị cuốn hút bởi cách dữ liệu vận hành, bởi cách trí tuệ nhân tạo có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn, Thùy quyết định nghiêm túc học lại – từ đầu. Và hành trình của cô bắt đầu, từng bước một.
Lớn lên từ chính những thất bại
Những dòng mã đầu tiên là cả một thử thách. Nhưng Thùy không ngại khó. Cô tìm đến Phòng Lab ICS tại Phenikaa University – nơi cô bắt đầu học cách đọc hiểu tài liệu học thuật, tham gia nghiên cứu, viết bài báo khoa học và làm dự án thực tế. Không ai giao cho cô những nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng cũng không ai đánh giá thấp nỗ lực của một người dám bước ra khỏi vùng an toàn. “Có lần mình nộp học bổng và trượt. Rồi nộp lại. Lại trượt. Nhưng mỗi lần như vậy, mình tự xem lại – giống như debug một đoạn code chưa chạy được – và sửa dần từng lỗi.”
Cứ thế, Thùy lớn lên từ chính những thất bại. Cô học được cách kiên nhẫn, cách cải thiện tư duy khoa học, và cách hợp tác trong môi trường nghiên cứu nghiêm túc. Những tháng ngày “mù code” đã được thay thế bằng những lần trao đổi với giảng viên, những buổi thức khuya hoàn thiện đề tài, những giờ viết paper đến cạn pin laptop.
Năm 3 đại học, Thùy được chọn tham gia chương trình trao đổi tại Viện Công nghệ Shibaura (Nhật Bản) – nơi cô làm việc cùng nhóm nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực AI. Trở về Việt Nam, Thùy tiếp tục đồng tác giả nhiều công bố khoa học, xây dựng sản phẩm nghiên cứu ứng dụng – và cuối cùng, được nhận học bổng toàn phần British Council for Women in STEM 2025 để theo học Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Brunel University London (Anh Quốc).

“Cái gì khó thì người ta mới ngại làm. Mình kiên trì sẽ có kết quả.”
Đó không chỉ là một câu nói, mà là phương châm sống học thuật của Thùy. Và nó bắt đầu từ một cú rẽ tưởng chừng là sai.
Trong thế giới công nghệ – nơi vẫn còn không ít định kiến giới – Thùy không bước đi bằng sự ngạo nghễ của một người giỏi sẵn, mà bằng sự dũng cảm và kiên trì của một người dám bắt đầu lại. Hành trình của cô truyền cảm hứng cho những ai đang ngập ngừng trước lựa chọn ngành học, đặc biệt là các bạn nữ còn hoang mang khi nhắc đến STEM. Và đôi khi, những con đường đẹp nhất lại bắt đầu từ một cú rẽ bất ngờ.