Sức khỏe

Phát hiện sớm sa sút trí tuệ để tránh biến chứng nặng nề

Mạnh Hưng 10/07/2025 15:30

Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, gây ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, khả năng lý luận, ngôn ngữ và các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Theo bác sĩ CKI Hoàng Đại Nhân - Khoa Tâm Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, đây là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, bệnh không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường, nghiện rượu, đột quỵ...

Nguyên nhân đa dạng, tiến triển âm thầm

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến các vùng não kiểm soát tư duy, trí nhớ và ngôn ngữ. Ngoài ra, sa sút trí tuệ mạch máu do tổn thương não sau tai biến mạch máu não cũng là nguyên nhân phổ biến, đặc biệt ở người mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Đồng thời, các bệnh lý thoái hóa não như Parkinson, ngộ độc kim loại, nhiễm trùng (giang mai, HIV...), sốt cao, mất nước, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, tác dụng phụ thuốc, rối loạn tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ... cũng có thể dẫn đến sa sút trí tuệ.

sa-sut-tri-tue-o-nguoi-tre.jpg
Bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người mắc. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết bệnh sa sút trí tuệ

Hiện nay, số lượng bệnh nhân có biểu hiện sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, phần lớn người bệnh chỉ được phát hiện khi đi khám vì một bệnh lý khác, do bệnh thường diễn tiến âm thầm, biểu hiện không rõ ràng khiến người thân dễ bỏ qua. Điều này khiến nhiều trường hợp chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Một số dấu hiệu thường gặp:

Rối loạn trí năng: Người bệnh thường mất định hướng về thời gian, giảm trí nhớ (đặc biệt là các sự kiện gần), hay quên thông tin, lặp lại lời nói, đánh mất đồ vật và ngày càng lệ thuộc vào người thân trong sinh hoạt hàng ngày.

Rối loạn tư duy: Gặp khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức công việc, hoạt động sinh hoạt trở nên lộn xộn. Người bệnh giao tiếp kém, nói không trôi chảy, dùng từ không chính xác; khó theo dõi hội thoại, xem truyền hình; giảm khả năng đưa ra quyết định, đánh giá đúng sai và thiếu chủ động trong cuộc sống.

Thay đổi cảm xúc và hành vi: Người bệnh trở nên thờ ơ, mất sự thấu cảm, dễ cáu giận, có xu hướng trầm cảm. Cảm xúc thay đổi thất thường, có thể xuất hiện hành vi xã hội hoặc tình dục không phù hợp.

Suy giảm chức năng của bán cầu não ưu thế: Biểu hiện qua việc khó diễn đạt ý bằng lời nói, gọi sai tên đồ vật, lúng túng khi giao tiếp; khó khăn trong đọc, viết, phát âm và mất khả năng kiểm soát tài chính cá nhân.

Suy giảm chức năng của bán cầu não không ưu thế: Người bệnh dễ bị lạc đường, đi lang thang không mục đích, mất định hướng không gian và gặp khó khăn trong việc mặc quần áo hoặc thực hiện các thao tác quen thuộc.

Giai đoạn nặng (sau 2–10 năm): Người bệnh mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc, không còn nhận biết người thân hoặc chính bản thân, không kiểm soát được đại – tiểu tiện, mất khả năng vận động, ăn uống và đối mặt với nguy cơ cao viêm phổi, loét do nằm lâu.

Phòng ngừa sa sút trí tuệ – càng sớm càng tốt

Nhờ vào các tiến bộ y học, sa sút trí tuệ có thể được phát hiện sớm qua các thang điểm như MMSE, MoCA… Việc điều trị nội khoa giúp làm chậm tiến triển và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa gồm:

- Bổ sung vitamin B6, B12, Omega-3; giảm muối, đường, chất béo; không hút thuốc, hạn chế rượu bia.

- Kiểm soát bệnh nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

- Vận động thường xuyên: tập 10-20 phút mỗi lần với các bài tập nhẹ phù hợp như đi bộ, yoga, đạp xe tại chỗ.

- Tham gia hoạt động xã hội phù hợp.

- Chăm sóc tâm lý: nói chuyện nhẹ nhàng, rõ ràng, thường xuyên thăm hỏi.

Thực tế cho thấy, chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ đòi hỏi sự kiên nhẫn và thường ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người chăm sóc.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, người nhà cần quan tâm và đưa bệnh nhân đến khám chuyên khoa tâm thần kinh hoặc lão khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng nặng nề.

Mạnh Hưng