Ảrập Xêút: Luật mới mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài
Ảrập Xêút vừa thông qua luật mới cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại các khu vực được chỉ định, có hiệu lực từ tháng 1/2026. Động thái này do Nội các phê duyệt dưới sự chủ trì của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển bất động sản theo định hướng Vision 2030.

Động thái này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong cách tiếp cận của chính quyền Riyadh đối với dòng vốn ngoại. Trong bối cảnh các nền kinh tế vùng Vịnh đang cạnh tranh để thu hút vốn quốc tế, luật mới được xem là đòn bẩy pháp lý mang tính định hình lại thị trường bất động sản Ảrập Xêút trong thập kỷ tới.
Khai thông quyền sở hữu cho người nước ngoài
Luật mới cho phép các cá nhân và tổ chức không mang quốc tịch Ảrập Xêút được quyền mua, sở hữu và sử dụng bất động sản tại các khu vực do Cơ quan Quản lý bất động sản chung (REGA) công bố. Theo economymiddleeast.com, các địa điểm đầu tiên được xác định bao gồm Riyadh và Jeddah, hai thành phố lớn nhất và năng động nhất của quốc gia Trung Đông này.
REGA sẽ chịu trách nhiệm xác lập danh sách các vùng được phép sở hữu, đồng thời xây dựng quy định chi tiết thi hành trong vòng 180 ngày. Các quy định này sẽ được đưa ra lấy ý kiến công khai trên nền tảng Istitlaa, hệ thống trưng cầu chính sách quốc gia, trước khi được chính thức ban hành.
Luật cũng áp dụng cơ chế riêng cho hai thành phố linh thiêng là Mecca và Medina. Theo đó, thay vì sở hữu trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông qua việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp niêm yết có tài sản bất động sản tại đây. Chính phủ duy trì giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa 49% đối với các khoản đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực liên quan đến Hajj và Umrah, hai hoạt động hành hương quan trọng trong đạo Hồi tạo ra nguồn thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Theo Bộ Đầu tư Ảrập Xêút, luật mới sẽ “nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong thủ tục cho người nước ngoài sở hữu, sử dụng hoặc hưởng lợi từ bất động sản tại các khu vực phát triển chiến lược của Vương quốc”. Đây là bước đi nối tiếp các nỗ lực cải cách thể chế, sau cuộc tham vấn toàn quốc được tiến hành vào tháng 4/2025.
Hạ tầng pháp lý và những chuyển động tích cực từ thị trường
Bộ trưởng Bộ Đô thị, Nông thôn và Nhà ở, ông Majid Al-Hogail nhấn mạnh rằng, luật mới là một phần trong chiến lược hiện đại hóa ngành bất động sản và tăng cường nguồn cung nhà ở. Ông đồng thời là Chủ tịch REGA, khẳng định rằng quy định mới sẽ “tạo ra môi trường thị trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích công dân, và bảo đảm không gây biến động bất hợp lý về giá”.
Bất động sản vốn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GDP Ảrập Xêút. Theo thống kê mới nhất, ngành này đã tăng đóng góp vào nền kinh tế từ 5,9% năm 2023 lên khoảng 12% năm 2024, gấp đôi chỉ trong vòng một năm. Cùng với đó, hơn 192 giấy phép dự án bất động sản đã được cấp, và số lượng giấy phép xây dựng mới trong quý IV/2024 đã tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số 3.800.
Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng thể chế, Ảrập Xêút còn hướng tới xây dựng các mô hình đầu tư minh bạch, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia thông qua thị trường chứng khoán Tadawul. Đây là một phần của chiến lược cải tổ thị trường vốn nhằm thu hút đầu tư gián tiếp, bảo đảm thanh khoản và hạn chế rủi ro tập trung sở hữu.
Thị trường bất động sản sôi động
Thị trường bất động sản Ảrập Xêút đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá, nhu cầu và cơ cấu nguồn cung. Các yếu tố thúc đẩy bao gồm dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, và chính sách kích cầu đầu tư vào nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn như Riyadh, Jeddah và Dammam.
Tính riêng trong năm 2024, tổng giá trị thế chấp nhà ở tại Vương quốc đã tăng 17% so với năm trước. Ngoài lĩnh vực nhà ở, thị trường cho thuê văn phòng, đặc biệt tại Riyadh, cũng đang trong tình trạng “cầu vượt cung”. Mức độ lấp đầy tại các khu văn phòng hạng A luôn đạt gần 100%, khiến giá thuê tăng trung bình 18% trong năm qua. Các thành phố khác như Jeddah và Dammam cũng ghi nhận mức tăng giá thuê lần lượt là 10% và 12%.
Lý do chính cho tình trạng này là sự mở rộng nhanh chóng của khu vực kinh tế phi dầu mỏ, trong đó bao gồm các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính và logistics, tất cả đều cần không gian văn phòng chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp quốc tế hiện cũng đang tăng tốc thành lập Văn phòng Khu vực (RHQ) tại Riyadh, vốn là sáng kiến chính sách được Ảrập Xêút triển khai từ năm 2021 nhằm trở thành trung tâm đầu tư của Trung Đông.
Tác động kỳ vọng và các thách thức đi kèm
Việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của thị trường bất động sản Ảrập Xêút so với các quốc gia láng giềng như UAE, Qatar hay Bahrain, những nước đã có chính sách cởi mở hơn trong lĩnh vực này từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, Chính phủ Ảrập Xêút cũng đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát giá nhà, bảo đảm tiếp cận nhà ở cho công dân thu nhập trung bình và thấp. Việc tăng dòng vốn đầu tư, nếu không được điều tiết hợp lý, có thể dẫn tới hiện tượng đầu cơ, làm méo mó thị trường và gia tăng chênh lệch giàu nghèo.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng dữ liệu và thủ tục pháp lý, vốn là điểm yếu truyền thống của thị trường Ảrập Xêút, cần được cải tiến đáng kể để bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế.
Dù vậy, với luật mới, Ảrập Xêút đã chính thức bước vào giai đoạn “mở cửa có kiểm soát” trong lĩnh vực bất động sản. Đây là quyết định táo bạo, nhưng được nhiều nhà quan sát đánh giá là phù hợp với định hướng cải cách toàn diện mà tầm nhìn Vision 2030 đề ra. Bằng cách thiết lập khung pháp lý rõ ràng, kiểm soát khu vực nhạy cảm như Mecca, Medina và tích hợp cơ chế tham vấn công khai, chính quyền Riyadh đang cho thấy nỗ lực vừa duy trì bản sắc, vừa bắt nhịp với dòng chảy toàn cầu hóa.