Địa phương

Đồng Tháp: Cán bộ sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính phục vụ Nhân dân

Nguyễn Tuấn 10/07/2025 10:14

Cán bộ tại phường Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp luôn đồng lòng, sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc ngày Thứ 7 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tục nhanh gọn

sa-dec(1).jpg
Trụ sở UBND phường Sa Đéc. Ảnh Nguyễn Tuấn

Phường Sa Đéc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 phường, xã gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, phường An Hòa, phường Tân Quy Đông, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Quy Tây. Trụ sở đặt tại UBND TP. Sa Đéc cũ (530 Nguyễn Sinh Sắc, phường Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

Ngoài Trung tâm Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) phường Sa Đéc (24 Nguyễn Cư Trinh, phường Sa Đéc) còn có 6 điểm Tiếp nhận và trả kết quả đặt tại trụ sở của các UBND phường, xã cũ để phục vụ người dân. Tổng số nhân sự tại Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc là 33 công chức.

sa-dec-2(1).jpg
Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sa Đéc. Ảnh Nguyễn Tuấn

Từ ngày 1/7 đến nay, trung bình mỗi ngày Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc giải quyết từ 250-300 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của người dân, doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại biểu Nhân dân, Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc bố trí bàn tiếp đón người dân ngay tại cửa để hướng dẫn, tư vấn người dân thực hiện TTHC nhanh chóng. Việc này có sự hỗ trợ tích cực của Đội Thanh niên tình nguyện.

sa-dec-5(1).jpg
Bàn tiếp đón ngay tại cửa để hướng dẫn, tư vấn người dân thực hiện TTHC

Bà Hồ Thị Kim Em (68 tuổi, trú phường Sa Đéc) cùng em trai đến Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc làm thủ tục chuyển tên người thờ cúng liệt sĩ, do em gái bà – người thờ cúng liệt sĩ nhiều năm qua vừa đột ngột từ trần.

Trước đây bà đã 2 lần đến UBND Phường 2 (cũ) để làm thủ tục nhưng chưa thực hiện được vì có nhiều TTHC phức tạp. Nay đến Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc, được cán bộ tại đây vui vẻ hướng dẫn, xử lý tận tình, chỉ trong một thời gian ngắn mọi thủ tục đã hoàn tất khiến bà rất phấn khởi.

"Tôi đau chân nên không đi lại được nhiều. Lần nay tới đây được cán bộ hướng dẫn, xử lý rất vui vẻ, tận tình. Tôi cảm thấy rất hài lòng", bà Em vui vẻ nói.

sa-dec-3(1).jpg
Cán bộ Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc vui vẻ, tận tình hướng dẫn, xử lý TTHC cho gia đình bà Em. Ảnh Nguyễn Tuấn

Ông Trần Thành Nghề đến Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc làm thủ tục thế chấp tài sản. Mặc dù mới 9h sáng nhưng ông Nghề bấm số thứ tự đã là 33 do người dân đến làm TTHC rất đông. Sau khoảng 30 phút chờ đợi đến lượt, ông Nghề đã được giải quyết chỉ trong vài phút khiến ông rất hài lòng.

Ông Nghề chia sẻ: "Tôi thấy làm thủ tục cũng suôn sẻ, cán bộ hướng dẫn tận tình, do mọi người đến đông quá nên chờ hơi lâu một chút nhưng không sao cả”.

Đồng lòng phục vụ nhân dân

sa-dec-4(1).jpg
Lãnh đạo Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc luôn túc trực để phục vụ nhân dân. Ảnh Nguyễn Tuấn

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Giám đốc Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc Huỳnh Anh Điền cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng được trong giai đoạn này.

Từ ngày 17/6, phường Sa Đéc đã vận hành thử nghiệm, khi vận hành chính thức vào ngày 1/7 đến nay mọi thứ đã cơ bản ổn định. Cán bộ tại phường Sa Đéc ai cũng đồng lòng, miễn sao giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng hồ sơ, giúp người dân nhanh chóng trong giải quyết thủ tục hành chính. Luôn vui vẻ, sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc ngày thứ 7 để phục vụ người dân, doanh nghiệp làm sao giải quyết nhanh nhất, sớm nhất cho người dân”.

sa-dec-6(1).jpg
Rất đông người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc. Ảnh Nguyễn Tuấn

Theo ông Huỳnh Anh Điền, ban đầu khi sáp nhập các phường, xã còn lo ngại người dân vẫn quen tới UBND các xã, phường cũ. Nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện tốt nên đa số người dân đã biết địa chỉ của Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc để tới giải quyết TTHC.

Ngoài ra, với việc thực hiện giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính nên không chỉ người dân trên địa bàn phường mà cả các địa phương khác đến giải quyết TTHC, tiện lợi là người dân tới. UBND phường Sa Đéc đang lên phương án bố trí, sắp xếp lại con người, bàn ghế để phục vụ người dân tốt hơn.

"Trung ương và tỉnh rất quan tâm, người dân rất hài lòng, ủng hộ. Người dân tiện lợi là người ta thích. Xã, phường là “pháo đài” cuối cùng, ai cũng quan tâm. Vướng tới đâu mình tháo gỡ tới đó", ông Huỳnh Anh Điền chia sẻ.

sa-dec-7(1).jpg
Người dân đến giải quyết TTHC

Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc Phan Thị Nhàn cho biết, lúc đầu do nhiều thứ còn mới, cán bộ công chức ngày đầu tiên cũng hơi cập rập. Qua đến ngày thứ 2 thì mọi thứ đã ổn định.

Hiện, tất cả thủ tục hành chính đều được giải quyết trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Số hóa rồi nên tất cả giải quyết trên Cổng, không nhận trực tiếp mà phải nhận trực tuyến trên phần mềm. Đôi lúc Cổng dịch vụ công Quốc gia có hiện tượng quá tải. Nhân viên Công ty VNPT luôn túc trực để xử lý tình huống, giúp mọi việc giải quyết cho người dân được thông suốt, nhanh chóng.

Thuận tiện là được kế thừa cơ sở vật chất của Bộ phận 1 cửa của TP. Sa Đéc cũ, cơ bản đã ổn định. Trước khi vận hành cán bộ đã được tập huấn kỹ càng, thành lập nhóm để có khó khăn vướng mắc gì chỉ cần nhắn lên nhóm là được tư vấn. Đồng thời, VNPT cử cán bộ đến hỗ trợ về kỹ thuật và phần mềm. Tỉnh hỗ trợ rất tốt.

“Chúng tôi sẵn sàng học hỏi, thích nghi. Chỉ sợ năng lực khả năng của mình có đáp ứng được công việc mới không. Băn khoăn thì không băn khoăn vì là trách nhiệm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bà Phan Thị Nhàn chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC phường Sa Đéc Phan Thị Nhàn cho rằng: "Vướng mắc nhiều nhất là các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Hiện, UBND phường, xã đang triển khai thực hiện việc cấp sổ đỏ lần đầu cho người dân. Chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp nhận hồ sơ để giải quyết, giải quyết cả vấn đề giao thời vừa tiếp nhận cái mới, vừa xem hướng dẫn để phục vụ người dân nhanh nhất, sớm nhất".

sa-dec-8(1).jpg
Một góc phường Sa Đéc. Ảnh Nguyễn Tuấn

Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp có 102 xã, phường trải dài từ biên giới Campuchia đến biển Gò Công. Những ngày qua, các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường đến các xã, phường mới để kiểm tra tình hình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt là công tác giải quyết TTHC cho người dân.

Qua kiểm tra bước đầu cho thấy từ ngày 1/7 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều tiến bộ và chuyển biến rõ nét trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, vấn đề phản ánh, kiến nghị của người dân.

Ngày 5/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang ký ban hành công văn yêu cầu các sở, cơ quan ngang sở; UBND các xã, phường từ ngày 5/7 - 31/7 phải tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao các sở, cơ quan ngang sở; UBND các xã, phường chủ động xác định các lĩnh vực, TTHC của ngành, địa phương để tổ chức thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC vào ngày thứ bảy theo quy định.

Trong đó, các lĩnh vực, TTHC được lựa chọn thực hiện phải thuộc diện phát sinh nhiều, gắn liền với nhu cầu thực tế và có tính cấp thiết đối với người dân, doanh nghiệp như: Đất đai, tư pháp, hộ tịch, chứng thực…; không bố trí làm việc ngày thứ bảy đối với các lĩnh vực TTHC không có hoặc có ít hồ sơ giao dịch phát sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền việc tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần. Việc thực hiện phải được thông báo công khai rộng rãi, niêm yết tại Bộ phận Một cửa, trên Trang thông tin điện tử của địa phương và các kênh khác theo quy định của pháp luật để người dân, doanh nghiệp biết, giao dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, từng bước giảm dần việc thực hiện hồ sơ theo phương thức trực tiếp tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Nguyễn Tuấn