Giáo dục

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi): Kiến tạo phát triển giáo dục đại học

Nhật Linh 10/07/2025 09:43

Tại phiên họp của Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chiều 9/7, nhiều đại biểu đánh giá cao dự thảo 2 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), theo đúng tinh thần kiến tạo phát triển.

Trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định ngắn gọn, gồm 9 Chương với 54 Điều (giảm 19 điều so với Luật Giáo dục đại học hiện hành).

img_4324.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học chủ trì phiên họp chiều 9/7. Ảnh: nguyễn Mạnh

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Tiến Thảo cho biết, trong 54 điều, có 9 điều được giữ những nội dung cơ bản (thay đổi cách thức diễn đạt một vài điểm phù hợp với kỹ thuật biên soạn lập pháp) từ Luật hiện hành (chiếm 7%), chủ yếu là các quy định mang tính nguyên tắc và ổn định như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước, văn bằng, quản lý nhà nước và xử lý vi phạm.

26 điều sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định cũ (chiếm 48%) làm rõ hoặc mở rộng các quy định về: quyền tự chủ, hội đồng trường, tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển sinh, kiểm định chất lượng, cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân lực, và trách nhiệm giải trình.

img_4294.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học, nhấn mạnh, Luật phải khai thông nguồn lực, tạo ra động lực cho cơ sở đào tạo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Có 19 điều quy định mới (chiếm 35%), tập trung vào các nội dung đổi mới quan trọng như: tự chủ đại học, giáo dục số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước, khoa học và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 57, đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực cho những ngành khoa học mũi nhọn, công nghệ kỹ thuật then chốt; phát huy sức mạnh tập thể nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật bổ sung các nội dung mới xác định cơ sở giáo dục đại học là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - địa phương.

img_4374.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Tiến Thảo trình bày một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Mạnh

Dự thảo Luật cũng bổ sung cách tiếp cận toàn diện theo hướng quản trị chất lượng, kết quả đầu ra, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học; đổi mới cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng gắn với chuẩn dữ liệu mở, minh bạch. Tích hợp các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong quy định về đăng ký hoạt động đào tạo trên môi trường số; giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hướng dẫn các nội dung chi tiết về chuyên môn trong quy chế đào tạo.

Tạo thay đổi về chất cho hệ thống giáo dục đại học

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) đã tạo ra thay đổi mang tính đột phá về cơ chế tự chủ đại học. Lần này, Luật được sửa đổi một cách toàn diện, cũng phải tạo sự thay đổi về chất cho hệ thống giáo dục đại học. Nhấn mạnh như vậy, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, cho rằng, trước hết tạo ra cơ chế để các cơ sở đại học được quyền tiên phong, đưa các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào giảng dạy, nghiên cứu.

img_4586.jpg
ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, kỳ vọng Luật sẽ tạo sự thay đổi về chất cho hệ thống giáo dục đại học. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Dự thảo 2 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được đánh giá có nhiều điểm đổi mới tích cực, phản ánh xu hướng phát triển hiện đại của giáo dục đại học như: tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, nhấn mạnh vai trò chuyển đổi số, xây dựng chương trình đào tạo mở và tích hợp, cũng như quan tâm hơn đến chính sách đối với nhà giáo. Cấu trúc dự thảo Luật tương đối rõ ràng, các điều khoản được trình bày logic, bám sát thực tiễn triển khai giáo dục đại học tại Việt Nam.

“Dự thảo Luật cần bổ sung một số khái niệm đang tác động mạnh đến hệ thống hiện nay, đặc biệt liên quan đến quản trị và nhân lực, như “học tập suốt đời”, “chuyển đổi số”, “liêm chính học thuật”, “giảng viên cơ hữu”; làm rõ mối liên kết và phân biệt giữa các chuẩn để giúp luật rõ ràng, đồng bộ và dễ triển khai hơn”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Sơn - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực góp ý.

img_4483.jpg
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến đánh giá cao dự thảo Luật. Ảnh: Nguyễn Mạnh

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung các khái niệm: “trường đại học thành viên”, “trường đại học thuộc”, “giáo dục đại học số”, “giáo dục đại học mở”, “nhân lực chất lượng cao”. Tuy nhiên,ông nhận xét, về tổng thể, “đây đúng là một dự thảo Luật theo hướng kiến tạo phát triển. Nếu được ban hành theo đúng tinh thần này, Luật sẽ mở ra một không gian khoáng đạt cho sự phát triển của giáo dục đại học”.

Nhật Linh