Đặc sản vải thiều Thanh Hà (Hải Phòng): Sức hút triệu đô từ trái cây được "số hóa"
Với sự kết hợp giữa chất lượng vượt trội, hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch và chiến lược quảng bá sáng tạo đã và đang giúp vải thiều Thanh Hà (Hải Phòng) khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản thế giới.
Bảo vệ thương hiệu- nâng cao giá trị
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hải Phòng, toàn thành phố hiện có khoảng 8.800ha vải thiều, ước đạt sản lượng 55.000 tấn. Đặc biệt, khu vực Thanh Hà cũ (gồm các xã Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Thanh Hà, Hà Tây) đóng góp gần 3.300ha với 38.000 tấn, chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn thành phố. Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay sản lượng vải thiều tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2024, đồng thời chất lượng cũng được thị trường đánh giá rất cao. Vải thiều Thanh Hà đã trở thành một thương hiệu nức tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Để bảo đảm chất lượng và uy tín cho trái vải, chính quyền địa phương và các sở, ngành TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bí thư xã Hà Nam Hoàng Thị Thúy Hà cho biết, ngay từ đầu vụ, Sở Công thương đã tích cực kết nối doanh nghiệp với nông dân, cung cấp thông tin thị trường, định hướng bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối với Thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được đẩy mạnh. Gần đây, trong khuôn khổ kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2025, Sở Công thương đã phối hợp cùng các siêu thị, trung tâm thương mại tổ chức các sự kiện trưng bày và quảng bá vải thiều, một bước đi thiết thực trước thềm sáp nhập với tỉnh Hải Dương.
Đặc biệt, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho vải thiều Thanh Hà đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người nông dân. Ông Phạm Long, một chủ vườn chia sẻ, toàn bộ diện tích vải của gia đình ông đang áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR Farm Smartnote. Mọi thông tin về quá trình sản xuất được cập nhật chi tiết qua phần mềm Nhật ký sản xuất, dưới sự giám sát của Trung tâm khuyến nông tỉnh. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR trên bao bì sản phẩm là có thể nắm được đầy đủ thông tin từ quá trình trồng trọt, ngày sản xuất, đến địa chỉ và số điện thoại của nhà vườn.

Một nông dân khác là ông Nguyễn Văn Phiếm cũng khẳng định lợi ích từ việc áp dụng mã QR code do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Quang hỗ trợ. Việc số hóa thông tin, cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không chỉ giúp quản lý sản phẩm hiệu quả mà còn tạo thuận lợi lớn cho công tác xuất khẩu và tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị. Nhờ đó, vải thiều Hải Phòng ngày càng được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Voso, Sendo và Tiktokshop, với sản phẩm có nhãn mác rõ ràng và mã QR code luôn được người tiêu dùng tin tưởng tìm mua hơn.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, hút khách trải nghiệm
Bên cạnh việc bảo vệ thương hiệu, các hoạt động quảng bá hình ảnh vải thiều trên địa bàn Hải Phòng đã và đang được đẩy mạnh, đặc biệt thông qua du lịch trải nghiệm sinh thái. Nắm bắt xu thế này, nhiều nhà vườn đã mở cửa đón du khách đến tham quan và tự tay hái vải.
Bà Phạm Thị Liêm, chủ khu sinh thái Đồng Mẩn cho biết, du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp "trên bến dưới thuyền" mà còn được ngồi thuyền thưởng ngoạn khung cảnh sông nước và trực tiếp hái, thưởng thức những chùm vải chín mọng. Các hộ dân xung quanh cũng được hỗ trợ mở gian hàng bày bán sản phẩm ngay tại vườn. Chính quyền địa phương cũng tích cực quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng đường và hệ thống điện chiếu sáng tại các điểm vườn khai thác du lịch.
Để tăng cường quảng bá và đánh giá tiềm năng du lịch miệt vườn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố hàng năm tổ chức chương trình farmtrip với sự tham gia của các doanh nghiệp, phóng viên, KOL và KOC (người nổi tiếng và người sáng tạo nội dung). Chương trình này không chỉ kết nối các điểm du lịch với doanh nghiệp lữ hành mà còn là dịp để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm du lịch.

Đặc biệt, việc các KOL và KOC trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch và chia sẻ những đánh giá chân thực, hình ảnh, video hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tăng cường độ nhận diện thương hiệu và kích thích du khách, người tiêu dùng. Đây được xem là chiến dịch truyền thông ngắn hạn nhưng mang lại hiệu quả cộng đồng vượt trội.