Kê đơn thuốc mạn tính tối đa 90 ngày: Những điều cần lưu ý
Thông tư 26/2025 mới được Bộ Y tế ban hành cho phép kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính lên tới 90 ngày, bên cạnh những lợi ích thiết thực người bệnh cần đặc biệt lưu ý để việc sử dụng thuốc kéo dài đạt hiệu quả và an toàn.
Thay vì tối đa 30 ngày như trước đây, Thông tư 26/2025/TT-BYT cho phép kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính lên tới 90 ngày.
Các chuyên gia nhận định quy định này không chỉ giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt với người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh nền kéo dài.
Thực tế, bệnh nhân mạn tính, thường là người lớn tuổi, sống phụ thuộc, có thu nhập thấp hoặc nhiều bệnh đồng mắc. Việc phải đi lại hàng tháng để lấy thuốc không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.
Với chính sách mới, người bệnh có thể được kê đơn thuốc đủ dùng trong 2-3 tháng, điều này giúp giảm đáng kể số lần và thời gian đi lại đến bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho cả bệnh nhân và người nhà.
Bên cạnh đó, kéo dài thời gian kê đơn giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, đặc biệt là trong mùa dịch hay thời tiết bất lợi. Đồng thời giúp ổn định đơn thuốc trong thời gian dài, từ đó tăng tính tuân thủ điều trị, một điều rất quan trọng trong điều trị bệnh mạn tính.
Tuy nhiên theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) việc kê đơn dài ngày mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.
Việc được kê đơn dài ngày khiến người bệnh tái khám ít hơn, khi thấy bệnh ổn định thì chủ quan, không theo dõi đường huyết, huyết áp, không duy trì luyện tập, ăn uống thất thường và dễ bỏ thuốc.
“Việc không thăm khám thường xuyên khiến người bệnh dễ bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo sớm của biến chứng. Quên lịch khám lại, dẫn đến hết thuốc. Với người điều trị đa khoa, dùng nhiều loại thuốc khác nhau, việc thuốc còn thuốc hết càng dễ xảy ra”, bác sĩ Bảy nhấn mạnh.

Để việc sử dụng thuốc kéo dài đạt hiệu quả và an toàn nhất, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo người bệnh nên đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, có gì không rõ phải hỏi ngay.
Bệnh mạn tính là bệnh phải điều trị suốt đời, sự ổn định chỉ là tạm thời, vậy nên nếu không duy trì điều trị đúng thì bệnh có thể nặng lên và biến chứng bất cứ lúc nào.
Người bệnh cần bảo quản thuốc cẩn thận, đặc biệt với insulin cần giữ lạnh, tránh nhầm lẫn thuốc khi trong nhà có nhiều người bệnh. Uống hoặc tiêm thuốc đúng giờ, có thể đặt chuông báo hoặc để thuốc nơi dễ thấy.
“Người bệnh mạn tính nên duy trì việc theo dõi các chỉ số sức khỏe như đường huyết, huyết áp tại nhà hoặc tại trạm y tế. Khi có biểu hiện bất thường, đừng chờ đến ngày hẹn tái khám, hãy đi khám ngay", bác sĩ Bảy chia sẻ.
Để đảm bảo tránh trễ hạn dùng thuốc, người bệnh nên liên hệ đặt lịch khám lại trước 3 - 5 ngày.
Nhận định về trách nhiệm của các cơ sở y tế, TS. BS Nguyễn Quang Bảy cho rằng bệnh viện và các khoa phòng liên quan cần chủ động điều chỉnh quy trình. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc để đáp ứng số lượng cấp phát tăng lên 2-3 lần bình thường.
Bên cạnh đó, cần tính toán tăng cường nhân lực ở khâu khám bệnh, kê đơn và phát thuốc, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt giữa bác sĩ - kho thuốc - nhà thuốc.
Khi kê đơn cần chú trọng hướng dẫn chi tiết cho người bệnh các thông tin như thuốc nào có thể kê 30 - 60 - 90 ngày và hẹn lịch khám cụ thể.
Các đơn vị có thể cung cấp số hotline, Zalo hoặc app bệnh viện để người bệnh có thể liên hệ khi có triệu chứng bất thường hoặc cần hỏi thêm.
Theo quy định mới người kê đơn căn cứ vào chẩn đoán bệnh và tình trạng người bệnh để quyết định số lượng thuốc được kê, số ngày sử dụng của mỗi loại thuốc trong đơn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Do đó, số ngày cấp thuốc tùy từng mã bệnh sẽ dao động từ 30 đến 90 ngày, không phải cứ bệnh nào trong danh mục là được mặc định kê đơn 90 ngày.