Văn hóa - Thể thao

Định hướng phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới

Hà Hương 09/07/2025 21:57

Chiều 9/7, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong không gian mới”.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định, việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đang mở ra những cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, tạo đột phá cho sự phát triển liên vùng.

z6787062607765_d91891363a05db83e6feca8e8ea8b210.jpg
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định là cơ hội lớn để tái định vị du lịch Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình mới hội tụ đầy đủ điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe và góp ý dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu của Đề án phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành trung tâm du lịch tổng hợp, phát triển theo chiều sâu, có trọng điểm, dựa trên nền tảng tài nguyên đặc sắc; đến năm 2030, trở thành một trung tâm du lịch lớn, quan trọng cấp quốc gia và quốc tế, là cực tăng trưởng du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2045, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, là hạt nhân dẫn dắt phát triển du lịch xanh - thông minh - văn minh.

z6787445124913_9883995d1f263524035717b0b76d705b.jpg
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Nguyễn Văn Nam phát biểu tại tọa đàm

Về mục tiêu cụ thể, Ninh Bình sẽ tập trung phát triển 4 trục giá trị cốt lõi, gồm trục di sản văn hóa tôn giáo lịch sử; trục di sản thiên nhiên sinh thái bảo tồn; trục du lịch nông thôn cộng đồng ven biển; trục du lịch sáng tạo văn hóa đương đại công nghệ cao. Duy trì và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phấn đấu có 15-20 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao; đến năm 2030 đón 25 triệu lượt khách, doanh thu 25.700 tỷ đồng.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, có việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch, vận động các chủ đầu tư thực hiện nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có và hình thành sản phẩm, dịch vụ mới hướng đến sản phẩm, dịch vụ cao cấp, chú trọng phát triển chiều sâu, tập trung các nguồn lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, có thương hiệu mạnh của tỉnh.

z6787183320619_cf20fada23e28b8830b5b6aab6ac9968.jpg
TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững góp ý dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Đền Trần, phủ Giầy, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng và mang chiều sâu văn hóa. Kết nối Tràng An - Tam Cốc - Hoa Lư - Bái Đính - Tam Chúc - Đền Trần thành tour du lịch tâm linh - di sản vùng đồng bằng sông Hồng...

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố đô” nhằm khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương, gia tăng sức hút với du khách quốc tế và tạo ra hình ảnh đặc trưng cho Ninh Bình trong ngành du lịch Việt Nam và toàn cầu.

z6787237026946_6a2faf6471b0644bf766ad5a46b549da.jpg
Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia về du lịch, góp ý dự thảo Đề án

Các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của ngành du lịch Ninh Bình; cho rằng việc hợp nhất không chỉ đơn thuần là sự mở rộng địa lý mà còn là sự kết hợp nguồn lực, văn hóa và lợi thế kinh tế của ba địa phương.

Góp ý hoàn thiện Đề án nhằm thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh, không gian mới, các đại biểu mong muốn tỉnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp văn hóa kết nối giá trị di sản; đẩy mạnh công nghệ số trong số hóa di sản; tăng cường tour trải nghiệm giáo dục, bổ sung loại hình du lịch nghiên cứu, khảo cổ…

Hà Hương