Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, gây ô nhiễm
Dự thảo Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới" đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 9/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới”. Đề án nhằm xây dựng định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng hiện đại, xanh, hiệu quả, phù hợp xu thế toàn cầu và yêu cầu phát triển hạ tầng bền vững trong nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, ngành vật liệu xây dựng giữ vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đây là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ lực, đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư, phát triển ngành hiện còn phân tán. "Những năm qua, việc quản lý, định hướng phát triển vật liệu xây dựng được quy định tại nhiều văn bản luật và nghị định. Việc có một định hướng thúc đẩy đối với vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới đây là rất cần thiết", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới", đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Mục tiêu tổng quát của dự thảo Đề án là phát triển ngành vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường; và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng thị trường trong nước. Đồng thời, loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành vật liệu xây dựng là cần thiết và cấp bách. Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp đưa ra nhiều đề xuất cụ thể: cần xây dựng chiến lược phát triển ngành thép gắn với tăng trưởng xanh; ban hành cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số và đầu tư công nghệ xanh; thiết lập trung tâm thông tin ngành vật liệu xây dựng; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ cho vật liệu, nhất là thép dự ứng lực…
Ngoài ra, việc phát triển bền vững trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cũng được nhấn mạnh. Cần quy hoạch hệ thống mỏ phù hợp từng vùng, khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, thay thế, song song với bảo vệ môi trường và quản lý hậu khai thác.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự; nhấn mạnh, đây là những ý kiến mang tính thực tiễn cao, chất lượng, có nhiều quan điểm mới để bổ sung cho dự thảo Đề án. Trên tinh thần góp ý tại hội nghị, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận và tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trình Đảng ủy Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng theo lộ trình.
Theo ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng, sản lượng vật liệu xây dựng hiện nay của Việt Nam đạt mức cao, với khoảng 110 triệu tấn xi măng, 150 triệu m³ bê tông, 15 triệu tấn thép xây dựng…