Bác sĩ cảnh báo nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phát hiện gần 900 trẻ em bị dương tính với xét nghiệm nhiễm giun, sán chó mèo, để lại nhiều biến chứng về sức khoẻ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, mới đây nhất đơn vị đã tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi trú tại xã Tam Hợp đi khám trong tình trạng nổi mẩn ngứa tại tay, bụng, mông kéo dài không rõ nguyên nhân.
Dù đã thoa thuốc điều trị da liễu trong hơn hai tuần nhưng tình trạng không cải thiện, kèm theo đau bụng âm ỉ khiến gia đình lo lắng và nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra.
Một trường hợp tương tự khác đã được điều trị là bệnh nhi 43 tháng tuổi trú tại tỉnh Hà Tĩnh được người nhà đưa đi khám với các triệu chứng như ngứa da, nổi mề đay, mất ngủ về đêm và đau bụng kéo dài. Các bác sĩ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng và chỉ định xét nghiệm máu cùng các chẩn đoán hình ảnh cần thiết.
Kết quả cho thấy cả hai trẻ đều có chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao và dương tính với giun đũa chó mèo và sán dây chó. Các trẻ đã được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp kiểm soát triệu chứng.

Theo BSCKII. Vương Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An), hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận trẻ đến khám với các triệu chứng như: ngứa, mẩn đỏ, biếng ăn, đau bụng,…
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng đây chỉ là bệnh ngoài da và tự điều trị tại nhà hoặc phòng khám da liễu, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị muộn.
“Giun, sán có thể ký sinh trong và ngoài đường ruột, ở nhiều cơ quan khác nhau như máu, phổi, gan, mắt, hệ thần kinh,… gây tổn thương đa cơ quan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyệt chia sẻ.
Theo thống kê từ Khoa Huyết học - Vi sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mẫu xét nghiệm sán dây chó (Echinococcus granulosus) tỷ lệ dương tính chiếm gần 35%. Với giun đũa chó mèo (Toxocara spp), gần 45% mẫu cho kết quả dương tính.
Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyệt nhấn mạnh phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế để xét nghiệm giun sán khi trẻ có các biểu hiện như: ngứa da; nổi mẩn kéo dài; biếng ăn, chậm tăng cân; đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn; rối loạn giấc ngủ, quấy khóc; thay đổi hành vi (lo âu, mệt mỏi, thờ ơ).
Ngoài ra để phòng ngừa bệnh ký sinh trùng cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo nên tẩy giun định kỳ cho trẻ và thú nuôi; hạn chế cho trẻ chơi ở nơi có nguy cơ nhiễm bẩn (đất, cát không đảm bảo vệ sinh); rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chơi; không để thú nuôi liếm tay, mặt trẻ; đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có triệu chứng nghi ngờ.

Mùa hè là thời điểm trẻ có nhiều thời gian được nghỉ ngơi vui chơi, tuy nhiên đây cũng là thời điểm cha mẹ khó kiểm soát, trông chừng con sát sao. Mặt khác, giun sán từ chó mèo không chỉ là bệnh lý phổ biến mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Do đó, chủ động phòng ngừa, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi kiểm tra là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất.
Việc can thiệp sớm chính là “chìa khóa” ngăn chặn biến chứng và bảo vệ trẻ trước những bệnh lý âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm từ ký sinh trùng lây truyền qua động vật.