Sức khỏe

Thái Lan đảo ngược chính sách hợp pháp hóa cần sa

Hồng Nhung 09/07/2025 11:45

Chính phủ Thái Lan đã chính thức tái áp đặt các hạn chế đối với cần sa, ba năm sau khi hợp pháp hóa loại chất này cho mục đích y tế và giải trí.

Ảnh chụp Màn hình 2025-06-29 lúc 20.26.29
Một cửa hàng bán cần sa ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ Getty Images

Sau ba năm nới lỏng kiểm soát và trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa, Thái Lan vừa bất ngờ siết chặt trở lại chính sách đối với loại chất gây tranh cãi này, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và kiểm soát nguy cơ lạm dụng trong giới trẻ.

Siết chặt kiểm soát

Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Somsak Thepsuthin vừa ký ban hành lệnh cấm bán cần sa nếu không có đơn thuốc y tế. Theo đó, việc mua bán, sử dụng và phân phối cần sa sẽ chỉ được phép trong khuôn khổ y tế, dưới sự giám sát của các cơ sở y tế được cấp phép.

“Cần sa sẽ được xếp lại vào danh mục chất ma túy trong tương lai”, ông Thepsuthin tuyên bố.

Cùng với đó, Cục Y học Cổ truyền và Thay thế Thái Lan – cơ quan chịu trách nhiệm thi hành quy định – cũng đã yêu cầu các cửa hàng đang bán cần sa phải chuyển đổi thành hiệu thuốc y tế và tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn.

Các quy định mới cũng đề ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với người trồng cần sa, cấm quảng cáo thương mại và cấm bán cần sa trong máy bán hàng tự động hoặc trực tuyến. Hình phạt đối với người bán bị phát hiện vi phạm theo quy định mới là 1 năm tù hoặc phạt tiền 20.000 baht (khoảng 16 triệu đồng), tuy nhiên Bộ Y tế đang đề xuất tăng thêm mức phạt.

Đây là bước đi quyết liệt nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng cần sa tràn lan sau khi luật được nới lỏng vào năm 2022.

Những lo ngại về hệ lụy sức khỏe

Việc Thái Lan đảo chiều chính sách hợp pháp hóa cần sa diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Dù độ tuổi hợp pháp để mua cần sa tại Thái Lan là 20, nhưng thực tế cho thấy tình trạng tiếp cận dễ dàng đang gia tăng.

Ảnh chụp Màn hình 2025-06-29 lúc 20.28.56
Một cửa hàng ở Bangkok đang chuẩn bị cần sa để bán, ngày 27/6/2025. Ảnh: AP

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, ông Jirayu Houngsab, cho biết: “Nhiều cửa hàng đã mở bán cần sa cho cả mục đích giải trí và y tế, khiến trẻ em và người dân tiếp cận dễ dàng, điều này đi ngược lại với mục tiêu chống ma túy của chính phủ”.

Chính quyền Thái Lan cũng viện dẫn tỷ lệ lạm dụng cần sa gia tăng, thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của giới trẻ, làm suy yếu mục tiêu sức khỏe cộng đồng.

Từ tiên phong đến “rút lui

Thái Lan từng hợp pháp hóa cần sa y tế vào năm 2018, sau đó mở rộng sang mục đích giải trí vào năm 2022. Quyết định này giúp hàng chục nghìn cửa hàng và doanh nghiệp được thành lập, tạo ra làn sóng khởi nghiệp sôi động và thúc đẩy du lịch.

Tuy nhiên, thời kỳ “vàng” này không kéo dài. Cùng với làn sóng kinh doanh bùng nổ là những tranh cãi kéo dài về thiếu khung pháp lý rõ ràng, giám sát lỏng lẻo, cũng như nguy cơ biến tướng thành một thị trường cần sa tự do. Ước tính có khoảng 18.000 cửa hàng cần sa mọc lên trên khắp Thái Lan chỉ trong chưa đầy hai năm, phần lớn hoạt động trong vùng “xám” pháp lý.

Ảnh chụp Màn hình 2025-06-29 lúc 20.31.18
Một quầy bán cần sa ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg / Getty Images

Bước ngoặt chính sách gần đây càng được thúc đẩy sau khi một đảng ủng hộ cần sa rút khỏi liên minh cầm quyền vào tháng 6, tạo điều kiện để Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) nắm toàn quyền thực hiện cam kết tái hình sự hóa việc sử dụng cần sa, bất chấp đa số ghế tại quốc hội đã suy giảm.

Việc tái phân loại cần sa là chất ma túy đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm vận động ủng hộ cần sa. Mạng lưới Vì Tương lai Cần sa Thái Lan – một tổ chức vận động chính sách – đã kêu gọi biểu tình trước trụ sở Bộ Y tế vào ngày 7/7 để phản đối lệnh cấm.

Tuy nhiên, quyết định của Thái Lan đã nhấn mạnh một thông điệp rõ ràng: sức khỏe cộng đồng và an toàn xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như sử dụng chất gây nghiện.

Hồng Nhung