Thế giới 24h

Sử dụng AI giả danh Ngoại trưởng Mỹ liên hệ với các quan chức nước ngoài

Quỳnh Vũ 09/07/2025 11:00

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra cảnh báo về khả năng Ngoại trưởng Marco Rubio và có thể là các quan chức khác bị mạo danh bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo một bức điện của cơ quan này gửi tới tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ ở nước ngoài.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát hiện một kẻ sử dụng giọng nói được tạo bằng AI giả danh Ngoại trưởng Rubio để liên lạc với ít nhất ba bộ trưởng ngoại giao, một thượng nghị sĩ Mỹ và một thống đốc, theo điện tín ngày 9/7, được The Washington Post đưa tin đầu tiên.

z6786243967134_e412e842c439f5376e48340d77d5ebdb.jpg
Nguồn: Times of India

Người nhận các tin nhắn lừa đảo được gửi qua tin nhắn văn bản, Signal và thư thoại không được xác định trong bức điện, một bản sao trong số đó đã được chia sẻ với The Associated Press.

"Bộ Ngoại giao đã biết về sự cố này, hiện đang theo dõi và giải quyết vấn đề", Người phát ngôn của Bộ Tammy Bruce nói với các phóng viên. "Bộ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ thông tin của mình và liên tục thực hiện các bước để cải thiện tình hình an ninh mạng nhằm ngăn ngừa các sự cố trong tương lai".

Đây là trường hợp mới nhất về một nhân vật cấp cao trong chính quyền Mỹ bị kẻ mạo danh nhắm đến. Một vụ việc tương tự xảy ra hồi tháng 5 liên quan đến Chánh văn phòng của Tổng thống Donald Trump, bà Susie Wiles. Các thủ đoạn sử dụng AI để lừa đảo có xu hướng gia tăng khi công nghệ được ngày càng được cải tiến và trở nên phổ biến hơn. Năm ngoái, FBI đã cảnh báo về "những kẻ xấu" mạo danh các quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ trong một chiến dịch sử dụng tin nhắn bằng giọng nói.

Những trò lừa bịp liên quan đến Ngoại trưởng Rubio đã không thành công và "không quá tinh vi", một trong những viên chức cho biết. Tuy nhiên, viên chức này cho rằng, Bộ Ngoại giao cần có cảnh báo và tư vấn cho tất cả nhân viên và chính phủ nước ngoài, đặc biệt là khi các nỗ lực nhằm xâm phạm an ninh thông tin ngày càng tăng.

Bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Việc giả mạo Ngoại trưởng Rubio không gây ra mối đe dọa an ninh mạng trực tiếp nào, nhưng nguy cơ thông tin được chia sẻ với bên thứ ba có thể bị lộ nếu các cá nhân mục tiêu bị nhắm đến".

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo trong một thông báo dịch vụ công về một chiến dịch "độc hại" dựa trên tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại do AI tạo ra, được cho là đến từ một quan chức cấp cao của Mỹ và nhằm mục đích lừa đảo các quan chức chính phủ khác cũng như cộng sự và người liên lạc của nạn nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Rubio bị mạo danh bằng công nghệ deepfake. Hồi đầu năm, có kẻ đã tạo ra một video giả mạo hình ảnh của Ngoại trưởng, trong đó kẻ giả mạo nói rằng Mỹ muốn cắt quyền truy cập của Ukraine vào dịch vụ internet Starlink của Elon Musk. Chính phủ Ukraine sau đó đã bác bỏ tuyên bố sai sự thật này.

Trong những năm gần đây, các chính phủ, bao gồm cả Nhà Trắng, đã phải thúc đẩy nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lạm dụng AI để lừa đảo, bao gồm cả hình phạt hình sự và tăng cường tuyên truyền cho người dân về các thủ đoạn của kẻ lừa đảo. Mối quan tâm về deepfake cũng dẫn đến một loạt các ứng dụng và hệ thống AI mới được thiết kế để phát hiện ra những thứ giả mạo có thể dễ dàng đánh lừa con người.

Theo Siwei Lyu, một giáo sư và nhà khoa học máy tính tại Đại học Buffalo, nhiều công ty công nghệ đang cạnh tranh trong việc tung ra những công nghệ giả mạo ngày càng tinh vi hơn. Ông cho biết, số lượng các mô hình deepfake miêu tả người nổi tiếng, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.

Chỉ vài năm trước, hàng giả thường rất dễ phát hiện, chẳng hạn giọng nói không giống con người hoặc những lỗi như thừa ngón tay, nhưng giờ đây AI đã ngày càng trở nên quá thông minh, sản phẩm giả mạo cho AI tạo ra ngày càng khó phát hiện, mang lại lợi thế cho những kẻ xấu muốn lừa đảo.

Quỳnh Vũ